Hai người thầy và ngôi trường lịch sử

Hai người thầy và ngôi trường lịch sử
TP - Ở Huế, trước Cách mạng Tháng Tám, có một kết hợp bộ đôi rất đặc biệt vì đã làm nên một “hiện tượng lịch sử” (1): Đó là hai nhà trí thức yêu nước luật sư Phan Anh và GS. Tạ Quang Bửu đã sáng lập Trường Thanh niên tiền tuyến Huế (TTNTTH) vào ngày 2/7/1945.

Tuy nhiên, địa chỉ huyền thoại này vẫn chưa được công nhận là Di tích lịch sử mà đang là Trung tâm Công viên cây xanh Huế.

Thật là đặc biệt vì luật sư Phan Anh lúc đó là Bộ trưởng Bộ Thanh niên của chính phủ Trần Trọng Kim, GS. Tạ Quang Bửu (cùng với ông Hoàng Đạo Thúy) là người lãnh đạo phong trào Hướng đạo Việt Nam và là “Đặc vụ ủy viên” của Bộ Thanh niên, nhưng hai người đã biến TTNTTH thành một cơ sở của Việt Minh, một lớp đào tạo cán bộ quân sự cấp tốc làm nòng cốt cho đội quân vũ trang, góp phần quan trọng đưa đến thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Huế.

Trong số 43 học viên của TTNTTH nay chỉ còn hơn chục người và dịp gặp gỡ nhân kỷ niệm 64 năm ngày thành lập Trường (2/7/1945-2/7/2009) vừa tổ chức tại Huế chỉ có hai vị đủ điều kiện về dự! Cả hai vị đều hơn cả tuổi “bảy mươi xưa nay hiếm”: “người lính già” Đặng Văn Việt năm nay vừa tròn 90 tuổi, “trẻ” hơn là đại tá pháo binh Lâm Quang Minh (còn gọi là L.Q.Yến) cũng đã 86 tuổi!

Cho dù vậy thì TTNTTH còn mãi trong sử sách, trong sự tưởng nhớ của hậu thế và ở Huế thì TTNTTH còn hiện diện bằng Di tích nơi khai sinh ra ngôi trường đặc biệt này với những “nhân chứng”, những người hâm mộ và các cơ quan có trách nhiệm lưu giữ, tôn vinh một thế hệ đã “hăng hái tham gia Tổng khởi nghĩa ở Huế…, tham gia cuộc kháng chiến lâu dài chống đế quốc xâm lược… góp phần xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc”. (2)

Chính vì thế mà cuộc gặp kỷ niệm 64 năm thành lập TTNTTH tuy chỉ có 2 nhân vật thật sự là “người trong cuộc”, nhưng không khí vẫn ấm áp và trang trọng với bó hoa của Ủy ban nhân dân Tỉnh Thừa Thiên  Huế do Phó Chủ tịch Ngô Hoà mang đến tặng, với những “nhân chứng” là người cùng thời như đồng chí Bảy Khiêm (nguyên giám đốc công an tỉnh Bình Trị Thiên), nhà giáo Bạch Văn Quế (nguyên Ủy viên UB Kháng chiến Hành chính Tỉnh Thừa Thiên sau Cách mạng Tháng Tám và hiện là Chủ tịch Quỹ Giải thưởng khuyến học mang tên GS. Tạ Quang Bửu…), nhà giáo Thân Trọng Ninh… Bên cạnh các bậc cao niên, còn có lớp “hậu sinh” - những người có trách nhiệm gìn giữ và phát huy truyền thống TTNTTH: Ông Nguyễn Văn Mễ (nguyên đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học Thừa Thiên - Huế), T.S Đỗ Bang, ông Lê Văn Thuyên, đại diện Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế, bà Quỳnh Giao, Phó Giám đốc Bảo tàng lịch sử cách mạng Thừa Thiên - Huế… Trong lớp người này, có một nhân vật đặc biệt là Phan Tân Hội, con trai Luật sư Phan Anh - một trong hai nhà trí thức yêu nước sáng lập TTNTTH - hiện là Thường trực Ban liên lạc Cựu học sinh TTNTTH.

Cuộc gặp chỉ có hai người trong cuộc, nhưng Phan Tân Hội mở đầu một cách vui vẻ: “…Cuộc gặp ở Huế hôm nay chỉ có hai vị là cựu học sinh TTNTTH - bác Việt ở Bắc vào và bác Minh ở Nam ra, vừa khéo kết thành Việt Minh!...” Một sự tình cờ mà rất có ý nghĩa.

Thì TTNTTH khởi đầu cũng chỉ có hai người - hai con người có nhân cách và trí tuệ lớn nên mới có sức tập hợp; và Việt Minh lúc mới dương ngọn cờ cách mạng hơn sáu chục năm trước, so với lực lượng đông đảo các tổ chức đoàn thể hôm nay, chỉ là một số ít, rất ít; nhưng vì đại nghĩa, vì chính đại quang minh, Việt Minh đã tập hợp quanh mình hầu hết những nhân tài của đất nước - trong đó có TTNTTH, bao gồm không ít con cháu các đại quan Triều Nguyễn và cả những người từng tham gia Nội các Trần Trọng Kim, thậm chí cả ông Phan Tử Lăng, người học Trường Võ bị của Pháp, chỉ huy trưởng đồn lính khố xanh của Triều Nguyễn! Đó là một minh chứng về tinh thần yêu nước nồng nàn của hầu hết các tầng lớp nhân dân ta, là một bài học luôn luôn mới trong việc tập hợp sức mạnh dân tộc trước mọi thách thức.

Hai người thầy và ngôi trường lịch sử ảnh 1
Tháng 7/1945, nơi đây là TTNTTH - Hiện nay là Trung tâm Công viên cây xanh Huế

Cũng chính vì thế Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên - Huế, thực hiện chủ trương của lãnh đạo Tỉnh, đã lập hồ sơ đề nghị công nhận địa chỉ của TTNTTH 64 năm trước (nay là trụ sở của Công ty Công viên cây xanh Huế) là “Di tích lịch sử”.

Không chỉ hai vị “lính già” mà tất cả những người dự cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 64 năm thành lập TTNTTH đều tỏ ý vui mừng trước thông tin này và mong rằng chủ trương đúng đắn của lãnh đạo Tỉnh sẽ sớm trở thành hiện thực, tốt nhất là Lễ đón bằng công nhận “Di tích lịch sử” TTNTTH sẽ được tổ chức vào đúng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám sắp tới.

Như thế, tâm nguyện của những cựu học sinh TTNTTH còn lại, nay đều ở tuổi “gần đất xa trời”, được đáp ứng trọn vẹn và Huế sẽ có thêm một “địa chỉ đỏ” đẹp đẽ giữa một vườn cây xanh. Thật là thú vị, nếu chúng ta hình dung hàng năm vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, dưới bóng những cây xanh do Công ty Công viên cây xanh Huế gìn giữ bao năm, lớp lớp những mái đầu xanh các em học sinh quây quần bên các vị “lính già” đầu bạc hoặc các nhà nghiên cứu lịch sử, lắng nghe sự tích một thời hào hùng:

“Nơi đây, một ngày đầu thu tiền khởi nghĩa, hai nhà trí thức yêu nước nổi tiếng, về sau trở thành hai Bộ trưởng Quốc phòng của Chính phủ Hồ Chí Minh - Luật sư Phan Anh và GS. Tạ Quang Bửu (3) đã lập nên ngôi trường có một không hai trong lịch sử…, đã là nơi ươm mầm những con người làm nên lịch sử, trong đó 8 người trở thành tướng lĩnh của đội quân anh hùng đã đánh thắng hai tên đế quốc đầu sỏ… Nơi đây…”.

Còn nhiều điều đặc biệt rất đáng được kể lại, nếu như các vị cựu học sinh TTNTTH còn đủ sức trở lại Huế như người “lính già” 90 tuổi Đặng Văn Việt hôm nay… Phải! Chỉ riêng Đặng Văn Việt, người cùng với Thế Lương (sau này là thiếu tướng Cao Pha - cũng lại là một kết hợp “bộ đôi” đẹp đẽ) treo cờ đỏ sao vàng trên Kỳ đài Huế ngày 21/8/1945, “con Hùm xám trên đường số 4”, vị “tướng không sao” (4) từng chỉ huy trên trăm trận thắng với công trình “Lính già kể chuyện Việt Nam chống xâm lược” vừa hoàn thành, cũng đã là một câu chuyện truyền kỳ kể mãi không hết…

Trường An - Huế,

Tháng 7-8/2009

(1) Nhan đề cuốn sách về Trường Thanh niên tiền tuyến Huế của NXB Công an nhân dân - 2008

(2) Trích Lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp giới thiệu cuốn sách về TTNTTH.

(3) Luật sư Phan Anh là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (1946); ông Tạ Quang Bửu giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng nước Việt Nam DCCH 1947 - 1948

(4) Khi làm trung đoàn trưởng trung đoàn chủ lực Cao-Bắc-Lạng, ông mới 27 tuổi; sau vì lý lịch con quan Thượng thư nên phải chuyển ngành. Tuy vậy, các tướng Pháp bị ông đánh bại trong chiến dịch biên giới 1950 gọi ông là “tướng không sao”.

MỚI - NÓNG