Hai nghi phạm vụ thảm sát tại Mỹ là vợ chồng

Cảnh sát bố ráp một ngôi nhà sau vụ xả súng
Cảnh sát bố ráp một ngôi nhà sau vụ xả súng
Cảnh sát thành phố San Bernardino, nơi xảy ra vụ xả súng làm 14 người thiệt mạng, vừa xác định danh tính hai nghi phạm bị tiêu diệt, và cho biết hai kẻ này là vợ chồng, có con gái 6 tháng tuổi.

Thông tin được cảnh sát trưởng Jarrod Burguan công bố trong một cuộc họp báo trong tối muộn ngày 2/12 theo giờ địa phương.

Theo đó 2 nghi phạm bị tiêu diệt sau cuộc đấu súng với cảnh sát trên đường trốn chạy là Syed Rizwan Farook, 28 tuổi, và Tashfeen Malik, 27 tuổi. Ông Farook sinh tại Mỹ. Quốc tịch của đối tượng Malik chưa được xác định. Các thành viên gia đình cho biết hai người đã kết hôn và có một cô con gái 6 tháng tuổi.

Trong quá trình vây bắt, cảnh sát còn bắt giữ một người thứ ba tại hiện trường, sau cuộc đọ súng với các nghi phạm. Dù vậy chưa rõ người này có liên quan đến vụ tấn công hay không.

“Chúng tôi tin tưởng một cách hợp lí rằng có hai tay súng tham gia và chúng tôi tìm thấy hai nghi phạm đã chết”, ông Burguan nói.

Farook là một thanh tra môi trường, và đã làm việc cho sở y tế địa phương được 5 năm. Trong sáng thứ Tư, người này có tới tham dự một bữa tiệc của sở y tế, tổ chức tại trung tâm bảo trợ xã hội Inland Regional. Người này đã bỏ về với thái độ “giận dữ”, sau một cuộc tranh cãi gì đó, vị cảnh sát trưởng cho biết. Sau đó Farook trở lại cùng bà Malik vào khoảng 11 giờ sáng, mang theo nhiều vũ khí.

“Phải có một sự lên kế hoạch ở mức độ nào đó trong vụ việc này”, ông Burguan nói. “Tôi không cho rằng họ đơn giản là chạy về nhà và mặc lên người tất cả những trang phục chiến thuật đó”.

Động cơ của vụ án đang được điều tra, và cảnh sát “không loại trừ khả năng khủng bố”.

Hai người này đã sử dụng những khẩu súng trường tấn công cỡ nòng 5,56mm cùng các súng ngắn bán tự động.

Khi tiếng súng vang lên, những người khác trong tòa nhà đã bỏ chạy và ẩn náu, gửi tin nhắn tới người thân. Ông Burguan khẳng định hầu hết nạn nhân tập trung tại một khu vực trong tòa nhà, nhưng cảnh sát phải mất nhiều giờ để khẳng định toàn bộ khu vực đã an toàn.

Những kẻ tấn công đã bỏ lại 3 thiết bị nổ, và cơ quan chức năng đã tiến hành phá hủy. Cơ quan điều tra không chắc thành phần cấu tạo của những thiết bị này, nhưng “nghiêng về khả năng đây là một dạng bom ống”, cảnh sát trưởng Burguan nói.

Nghi phạm là người trầm tính, lịch thiệp

Phát biểu với tờ LA Times, thành viên gia đình nghi phạm cho biết hai người ngày kết hôn được 2 năm

Đồng nghiệp của Farook khẳng định họ bị sốc khi nghe tin người này có liên quan đến vụ xả súng. Hai trong số đó khẳng định Farook là người ít nói và lịch thiệp, và không hề có sự thù hằn rõ ràng nào.

14 người thiệt mạng và 20 người bị thương sau vụ xả súng (Ảnh: MSNBC)

Trả lời tờ Times, họ khẳng định Farook gần đây đã tới Arập Xêút và trở về cùng một người phụ nữ quen qua mạng Internet. Hai người có một con nhỏ và dường như “đang sống với giấc mơ Mỹ”, Patrick Baccari, một thanh tra môi trường, đồng nghiệp của Farook nói.

Hai đồng nghiệp khác là Baccari và Christian Nwadike, làm việc cùng nghi phạm khoảng 3 năm nay cho biết Farook hiếm khi bắt chuyện nhưng được nhiều người quý mến. Người này là tín đồ Hồi giáo nhưng hiếm khi thảo luận về tôn giáo ở nơi làm việc.

Hung khí được mua hợp pháp

Meredith Davis, người phát ngôn cơ quan quản lý đồ uống có cồn, thuốc lá, vũ khí và chất nổ cho biết, cơ quan chức năng đã “truy tìm thành công” nguồn gốc 4 khẩu súng bị thu giữ sau vụ xả súng. Hai trong số đó được mua một cách hợp pháp.

Cảnh sát địa phương khẳng định hai khẩu súng trường tấn công các nghi phạm mang theo gồm một khẩu DPMS Model A15 cỡ nòng 5,56mm và một khẩu Wesson M&P15. Các khẩu súng ngắn được sản xuất bởi hãng Llama và Smith & Wesson

Sau vụ xả súng, Tổng thống Mỹ Obama đã một lần nữa kêu gọi phải làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra nhân thân người mua súng, và ban hành những lệnh cấm tiếp cận súng mới đối với những người có thể là mối nguy hiểm cho xã hội.

“Chúng ta nên sát cánh cùng nhau tại cả hai đảng ở mọi cấp chính quyền để khiến những vụ việc này trở thành hiếm gặp thay vì bình thường”, ông Obama phát biểu với kênh CBS. “Một điều chúng ta biết rõ đó là chúng ta chứng kiến nhiều vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ mà không thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Chúng ta cần có những bước đi, không phải nhằm loại bỏ toàn bộ các vụ xả súng, mà để tăng khả năng chúng không diễn ra thường xuyên như hiện nay”.

California là bang có luật kiểm soát súng nghiêm ngặt nhất tại Mỹ, theo đánh giá của Trung tâm Luật pháp ngăn chặn bạo lực do súng.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG