“Hai lúa” sáng chế máy diệt rầy nâu

“Hai lúa” sáng chế máy diệt rầy nâu
TP- Tháng 10/2008, hàng chục nông dân khắp miệt ĐBSCL khăn gói đến miệt biển huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) tìm chủ nhân của sáng chế giàn phun thuốc diệt rầy để đặt hàng mua máy.

Mấy năm qua, chuyện lúa gạo tại ĐBSCL luôn thời sự với bệnh rầy nâu, vàng lùn xoắn lá. Máy diệt rầy nâu là một phát minh mới nhưng đã nức tiếng xa gần bởi công năng đặc biệt của nó, giúp nông dân đối chọi với dịch bệnh. Chủ nhân của phát minh này là một  nông dân xấp xỉ ngũ tuần gắn cả đời mình với đồng ruộng.

“Hai lúa” sáng chế máy diệt rầy nâu ảnh 1
Ông Dương Văn Thuận và sáng chế giàn máy diệt rầy

Sáng chế thiết thực với nông dân

Ông tên là Dương Văn Thuận (gọi thân mật là Hai Thuận), 48 tuổi, nhà ở ấp Vĩnh Yên, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Khi chúng tôi tìm đến ông, chiếc máy diệt rầy nâu của ông đã trở nên nổi tiếng sau khi tham gia Hội thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật toàn tỉnh vào tháng 9/2008 và được đánh giá cao.

Tiếp đến, vào tháng 10/2008, đích thân chủ nhân và chiếc máy làm một chuyến công cán đường xa đến Đồng Tháp để trình diễn diệt rầy do Cty thuốc BVTV An Giang bảo trợ.

Vừa về đến nhà, ông Hai Thuận đã lại nhận được thư mời từ Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Cần Thơ tham dự chương trình “Chợ sản phẩm cây trồng vật nuôi lạ quý hiếm và nông dân trình diễn sáng tạo kỹ thuật” trong khuôn khổ Hội chợ nông nghiệp quốc tế Việt Nam vào cuối năm nay.

Chiếc máy và chủ nhân của nó đều nổi như cồn, khiến ông Hai Thuận được mệnh danh “nhà sáng chế”. Ông thật thà: “Mình là nông dân, đâu có được ăn học gì mà làm nhà này nhà nọ. Tui nghĩ ra cái giàn phun này chỉ vì tức con rầy hại lúa mà thôi. Chú nghĩ coi, mồ hôi công sức bà con mình đổ xuống mà bị chúng nó ăn mòn. Trị hoài không được”.

Ông cho biết ý tưởng sáng chế giàn phun thuốc diệt rầy được ông nung nấu từ vụ lúa hè thu 2008. Trong một lần ra đồng thăm mảnh ruộng vừa được phun thuốc diệt rầy nâu, ông cầm thanh tre dài gạt ngang thân cây lúa để xem dưới gốc lúa thì nhìn thấy rầy nâu bám đầy ở gốc và thân cây lúa.

Như vậy là thuốc chỉ bám vào lá, không đến được tận thân và gốc nên tác dụng chẳng là bao. Sẵn thanh tre đang cầm trong tay, đè cho lúa hơi nghiêng, ông nghĩ ngay đến việc chế tạo giàn phun thuốc sâu xuống tận thân và gốc cây lúa.

Ông bỏ ngang buổi thăm đồng, về nhà trầm ngâm bút, thước, hí hoáy phác thảo chiếc máy. Hì hục trong nhà gần một tháng, đến trung tuần tháng 7/2008, ông Hai Thuận chở về nhà  một cái khung sắt hình bán nguyệt. Đến khi ông Hai Thuận kéo dàn phun ra ngoài ruộng làm thử thì cả ấp phục lăn.

Giàn phun thuốc diệt rầy được ông Hai Thuận đặt tên TY01, nặng 10kg, có 6 vòi phun thuốc, mỗi vòi đều được thiết kế uống cong theo thanh hình bán nguyệt để dễ trượt trên ruộng và đưa thuốc vào thân, gốc lúa. Chưa hết, giàn phun còn có một thanh gạt cho phép điều chỉnh giàn máy cao thấp tuỳ theo tuổi lúa.

Giàn phun này có thể tháo, ráp rất tiện dụng, 6 vòi phun thuốc có thể điều chỉnh phun thẳng hoặc phun nghiêng tuỳ theo yêu cầu công việc. Giàn phun TY01, có thể phun trong phạm vi 1,6m.

Đến tháng 9/2008, từ gian phun TY01, ông Hai Thuận  đã cải tiến thành giàn phun TY02 và giàn phun này có thể phun trong phạm vi 2,5m với 8 vòi phun. Giá thành để làm một giàn phun thuốc diệt rầy nâu chỉ khoảng  450.000 đồng.

Với 1 ha lúa, nếu phun bằng tay tốn 556.000 đồng, tính chung mỗi ha, khi sử dụng giàn phun sẽ tiết kiệm được gần 200.000 đồng /đợt phun. Không chỉ có vậy, sáng chế này còn giảm bớt đáng kể lúa bị hư hại so với bình phun tuyền thống và đặc biệt là giảm thiểu ảnh hưởng độc hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với người phun…

Hiện tại, giàn phun thuốc của ông Hai Thuận đang chuẩn bị được cấp bằng sáng chế. Nó là niềm tự hào và hy vọng của dân xã Thạnh Trị và được nông dân khắp miệt ĐBSCL háo hức chờ đợi.

Duyên tình với lúa

48 tuổi, người gầy gò và dong dỏng cao, ông Hai Thuận vừa có cái gì đó tinh khôn, hóm hỉnh vừa có nét hiền lành, chất phác của ông nông dân miệt vườn chính gốc. Là con cả trong gia đình có 11 anh em.

Với phát minh giàn thuốc diệt rầy, ông Hai Thuận một lần nữa khiến người ta thán phục. Ông tâm sự đã có rất nhiều người nghe tiếng tìm đến nhà hỏi mua giàn máy của ông nhưng vì điều kiện ông chưa thể sản xuất đại trà được.

Còn một vài cải tiến đang được ông nghiên cứu và chờ được cấp bằng sáng chế sẽ tìm đối tác sản xuất hàng loạt và bán với giá thành rẻ để giúp nông dân.

Hiện giờ ông Hai Thuận vẫn sống với cha mẹ già và chăm lo 12 công ruộng tươi tốt, có của ăn của để. Em trai, em gái đã dựng vợ gả chồng được 7 người, có con bồng, con bế, nhưng ông Hai Thuận vẫn là “lính phòng không”. Ông Phan Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Trị cho biết: “Cả xã này ai không biết Hai Thuận yêu lúa hơn yêu người. Cái khoản tình duyên thì Hai Thuận đuối thật, nhưng mần ruộng thì không ai hơn đâu à”.

Ông chủ tịch hội khoe, ông Hai Thuận có cả một bảng vàng về thành tích nông nghiệp chứ chẳng chơi. Năm 1995, Hai Thuận từng  là một trong số 34 điển hình thanh niên trẻ có mô hình làm kinh tế giỏi, có thu nhập cao của cả nước được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam mời lên TPHCM giao lưu.

Hồi đó, với mô hình lúa –dưa, Hai Thuận đã nổi tiếng khắp vùng đất Gò Công Tây. Gần 1 ha đất, chỉ vụ hè thu ông đã thu về trên 5 tấn lúa và sau vụ hè thu, trồng tiếp vụ dưa  và thu nhập hơn 17 triệu đồng, một niềm mơ ước của nông dân lúc bấy giờ.

MỚI - NÓNG