Kiến sư tử (tên khoa học Myrmeleontidae), Kiến sư tử phân bố trên khắp địa cầu, nhưng phổ biến nhất là ở các vùng đất cát và khô.
Nguồn gốc xuất xứ của cái tên "kiến sư tử" không được rõ ràng. Có lẽ cái tên này bắt nguồn từ việc nạn nhân chủ yếu của cúc là các loài kiến, và cụm "sư tử" mang ý nghĩa là "động vật ăn thịt". Cái tên "kiến sư tử" có lẽ cũng biểu thị ý nghĩa mô tả về một loại côn trùng không cánh sống dưới đất, to lớn hơn kiến rất nhiều và có thói quen ăn thịt kiến, giống như ý niệm "chúa sơn lâm" được gán cho sư tử.
Khi đang còn ở dạng ấu trùng, kiến sư tử là một nỗi khiếp sợ với bất kỳ loài côn trùng cỡ nhỏ nào di chuyển trên nền cát, bởi bất kì mặt cát nào có dấu hiệu lõm xuống hình phễu, cũng đều có thể là chiếc bẫy tử thần mà kiến sư tử đã giăng ra.
Clip Nguồn Vnexpress
Để săn mồi, ấu trùng kiến sư tử sẽ dùng phần chóp bụng để xúc cát lên cùng với sự hỗ trợ của chân trước, nhằm tạo ra một hang hình phễu sâu chừng 5cm và rộng xấp xỉ 7cm.
Điều tài tình ở chỗ độ dốc của hang sẽ được kiến sư tử thiết kế để đạt tới giá trị gọi là góc phản ứng tới hạn, tức là góc dốc lớn nhất mà bề mặt cát có thể giữ ổn định. Điều này đồng nghĩa với việc, chỉ cần một chút dao động khiến cho góc của dốc tăng lên thì bề mặt cát sẽ sụt lở ngay lập tức.
Chính vì vậy, khi các động vật nhỏ giống như kiến chẳng may đặt chân vào vào phễu cát này, bề mặt cát sẽ dễ dàng sạt lở, khiến con vật trượt xuống tâm phễu, nơi kiến sư tử đang chực chờ. Thậm chí, nếu con mồi có gắng hết sức bò lên trên, kiến sư tử sẽ hất cát ở đáy hố lên, khiến bề mặt liên tục sạt lở kéo con vật xuống.
Ngoài phương pháp săn mồi độc đáo, thì cách mà loài kiến này thưởng thức bữa ăn của mình cũng thú vị không kém. Theo đó, loài côn trùng này sẽ tiêm một loại enzyme tiêu hóa vào bên trong con mồi, khiến các bộ phân bên trong hóa lỏng. Sau đó, kiến sư tử hút sạch thịt con mồi và nhả lại phần xác lúc này đã rỗng bên trong.