Động thái trên được đưa ra sau vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris hôm 13/11, khiến 129 người thiệt mạng.
Ở góc độ khác, việc thông qua dự luật này một lần nữa cho thấy sự phân hoá giữa cơ quan hành pháp do đảng Cộng hoà chiếm đa số ở quốc hội, với chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Theo BBC, dự luật được thông qua với 289 phiếu thuận, 137 phiếu chống. Theo dự luật này, mỗi trường hợp người tị nạn Iraq và Syria muốn được nhập cảnh vào Mỹ đều buộc phải thông qua "đóng dấu đảm bảo" về an ninh của 3 cơ quan gồm Cảnh sát Liên bang Mỹ (FBI), Bộ An ninh nội địa và Giám đốc Cục tình báo Trung ương (CIA).
Người tị nạn phải được xác nhận "không phải là mối đe doạ an ninh đối với Mỹ". Chương trình tiếp nhận 10.000 người tị nạn Syria trong năm 2016 của ông Barack Obama cũng bị ngừng lại.
Dự luật theo quy trình sẽ phải thông qua Thượng viện trước khi được đệ trình lên Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, ông Obama tuyên bố sẽ phủ quyết.
Phát biểu tại Hạ viện Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho hay dự luật không nhằm ngăn chặn người tị nạn Syria và Iraq tới Mỹ, mà chỉ đặt ra khoảng thời gian nhất định để các cơ quan chức năng làm rõ nguy cơ về an ninh.
"Sẽ là chống lại các giá trị của đất nước, giá trị của xã hội tự do khi chúng ta mở cánh cửa quân khủng bố đang hướng tới"-ông McCarthy cho biết.
Tuy nhiên, ý kiến này của ông McCarthy vấp phải không ít sự phản đối. Nghị sĩ đảng Dân chủ Jerrod Nadler từ bang New York tuyên bố, "chống khủng bố không có nghĩa là đóng sập cánh cửa với những người đang phải chạy trốn khủng bố".
Trước đó, hơn 20 bang tại Mỹ đã tuyên bố sẽ ngừng việc tiếp nhận người tị nạn Syria cho đến khi được đảm bảo về mặt an ninh. Nhà Trắng trong khi đó cho hay tính từ thời điểm xảy ra cuộc tấn công khủng bố của Al-Qaeda vào toà tháp đôi Mỹ tháng 9/2001, đã có 2.174 người Syria được đăng ký tị nạn ở Mỹ.
Trong số này, chưa người nào bị bắt hoặc trục xuất vì cáo buộc khủng bố.