>> Hết điệp khúc được mùa rớt giá?
Sau ngày giải phóng miền Nam nước nhà thống nhất, trải nhiều năm thiếu đói, năm 1989 là năm đầu tiên nước ta có gạo xuất khẩu, 1,42 triệu tấn.
Năm 2009, đến thời điểm này, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nước ta chắc chắn xuất khẩu 6 triệu tấn gạo. Tổng cộng, từ 1989 đến 2009, nước ta xuất khẩu 70 triệu tấn gạo, kim ngạch 19,67 tỷ USD.
Giá một tấn gạo xuất khẩu bình quân 281 USD, cao nhất là năm 2008 với 614 USD, thấp nhất là năm 2001 với 168 USD.
Xuất khẩu gạo, thu được ngoại tệ lớn, còn có những tác động rất quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, lại có một nghịch lý, xuất khẩu gạo hàng năm nhất nhì thế giới nhưng nông dân nước ta vẫn nghèo, chỉ nhiều người kinh doanh lúa gạo giàu lên nhanh chóng.
Một nghiên cứu của ông Võ Hùng Dũng, GĐ Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, cho biết, những người mua bán chỉ đóng góp 10% khối lượng công việc làm ra hạt gạo nhưng chiếm tới 67% giá trị gia tăng. Bởi vậy, VFA từ ngày ra đời (tháng 11/1989) đến nay liên tục bị phê phán.
Có ý kiến cho rằng, phải tăng giá mua lúa thì nông dân mới khá được. Tuy nhiên, giá lúa gạo tăng quá một mức nào đó, sẽ tạo nên vòng xoáy tăng giá và người nông dân vẫn không thoát ra khỏi cảnh nghèo.
Dư luận tập trung soi rọi nội tình thiếu công khai minh bạch của VFA, một hiệp hội đã bị hành chính hóa và bị các doanh nghiệp phản ứng. Đến đây, xảy ra tranh luận “công và tội” của VFA kèm theo những đề xuất còn gây tranh cãi nhiều hơn nữa.
Dù tranh luận hướng nào thì vẫn dễ thống nhất một thực tế rõ ràng, cơ sở hạ tầng kinh doanh lúa gạo ở nước ta vẫn rất lạc hậu, phát triển không tương xứng với sự phát triển của sản xuất lúa gạo 20 năm qua. Đó là, hệ thống bảo quản sau thu hoạch, kho tàng, cơ sở thông tin, hệ thống mua và bán.
Những yếu kém này khiến cho hạt gạo Việt Nam sau 20 năm xuất khẩu vẫn chưa có thương hiệu, và đặc biệt làm doãng ra quá xa, một cách bất hợp lý, khoảng cách giữa người nông dân và người tiêu dùng lúa gạo, thường được gọi là nhiều tầng nấc trung gian.
Yếu kém sinh ra đổ lỗi lẫn nhau, một số doanh nghiệp trong VFA mỗi khi lúng túng trước thị trường lại cho rằng “do thương lái”; nhưng nếu không có thương lái thì họ hoạt động như thế nào?
Khi cơ sở hạ tầng không được nâng tầm hiện đại, giá gạo trên thị trường dù có tăng, lợi nhuận cũng khó đến với nông dân. Nếu hạ tầng được hiện đại hóa, khoảng cách giữa nông dân với người tiêu dùng lúa gạo thu hẹp, việc phân phối chuỗi giá trị gia tăng của hạt gạo cho người nông dân ắt sẽ nhiều hơn.
Người nông dân còn có thể tham gia tích cực hơn vào chuỗi giá trị gia tăng, sáng tạo thêm những giá trị mới.
Bởi vậy, kinh doanh lương thực để đưa được lợi ích thích đáng đến với nông dân, đang cần các chính sách đòn bẩy, tập trung vào hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Mọi nỗ lực được bình đẳng tiếp cận chính sách ưu tiên ấy, không thiên lệch với ai, dù là VFA.