Ô nhiễm nghiêm trọng bắt đầu từ sáng qua khi các hệ thống quan trắc đều lên ngưỡng đỏ- ngưỡng có hại cho sức khỏe tất cả mọi người. Từ chiều qua, nhiều điểm đo ở Hà Nội, theo hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAMAir ghi nhận ô nhiễm lên ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người.
Vào sáng nay, tình trạng ô nhiễm không khí tiếp tục tiếp diễn với tất cả các điểm đo đều lên ngưỡng đỏ. Bụi mịn PM2.5 kết hợp với sương mù vào sáng sớm khiến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chìm trong mù mịt, tầm nhìn hạn chế.
Trước đó, Bộ Y tế có khuyến cáo, những ngày có chất lượng không khí từ ngưỡng đỏ trở lên, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, tập thể dục, làm việc ngoài trời. Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá.
Người dân cũng nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm. Hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ. Nhóm nhạy cảm gồm người mắc bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xác định bởi nhiều nhóm nguyên nhân như giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rơm rạ. Tuy nhiên, đến nay thành phố chưa thực hiện kiểm kê khí thải để xác định chính xác vai trò của từng nguồn ô nhiễm.
Dù vậy có nhiều ý kiến cho rằng, giao thông là nguồn chính gây ô nhiễm. Thành phố Hà Nội có khoảng 5,7 triệu xe máy và 0,7 triệu ô tô. Những ngày cận Tết lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến có thể làm nghiêm trọng hơn tình hình ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Dự báo chiều 30 Tết, khi một đợt không khí lạnh mạnh tràn xuống nước ta gây mưa rào sẽ giúp chất lượng không khí được cải thiện.