Ngày hội văn hóa cốm Mễ Trì có sự tham gia của hơn 40 gian hàng thuộc các cơ sở sản xuất cốm trên địa bàn phường Mễ Trì. Thông qua các gian hàng ngày, các cơ sở sản xuất cốm giới thiệu đến du khách sản phẩm do cơ sở mình sản xuất.
Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình, nhiều hoạt động như triển lãm ảnh và vật dụng làm gốm qua các thời kỳ, thi làm cốm truyền thống, các chương trình văn nghệ... cũng đã diễn ra.
Phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm có 155 hộ với 649 lao động tham gia sản xuất và làm nghề cốm. Nhờ có máy móc hỗ trợ trong quá trình sản xuất cốm nên năng suất lao động tăng cao, đem lại thu nhập bình quân khoảng 111 triệu đồng mỗi người làm nghề cốm mỗi năm. Tuy vậy, việc sản xuất cốm ở Mễ Trì hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo bà Đỗ Thị Soan, Bí thư Đảng ủy phường Mễ Trì, việc sản xuất cốm phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung nguyên liệu nhưng diện tích đất trồng lúa nếp lai, lúa hoa vàng để làm cốm ở phường đã bị thu hẹp do đô thị hóa, gây khó khăn cho người làm cốm.
Để đảm bảo nguyên liệu cho việc sản xuất cốm, nhiều cơ sở phải thu mua lúa từ Đông Anh, Sóc Sơn và các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang...
Ngoài ra, các hộ làm cốm ở phường Mễ Trì chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ nên khó mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời gây khó khăn cho chính quyền trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, kiểm soát vấn đề môi trường...
Với đặc thù là nghề "thức khuya, dậy sớm" và gây tiếng ồn khi sản xuất, nghề cốm gây ảnh hưởng lớn tới người dân xung quanh.
Ông Nguyễn Đăng Hiệu, chủ một cơ sở sản xuất cốm tại phố Miếu Đầm, phường Mễ Trì cho biết mỗi năm cơ sở của gia đình ông có hai đợt làm cốm, mỗi đợt kéo dài 4 tháng theo thời gian thu hoạch của vụ lúa chiêm và vụ lúa mùa. Thu nhập từ cơ sở sản xuất cốm hằng năm không đủ để chi tiêu nên khi hết mùa làm cốm, gia đình ông Hiệu lại trông chờ vào nguồn thu từ phòng trọ cho thuê.
Anh Nguyễn Khắc Trình, trú tại phố Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì cho hay: "Tôi yêu nghề làm cốm nên tôi vẫn cứ làm chứ thu nhập từ cốm thì không đủ sống. Hết thời gian làm cốm, tôi đi làm hàn xì còn vợ tôi đi bán rau để có đủ tiền trang trải sinh hoạt."
Nghề làm cốm của Mễ Trì phát triển từ những năm đầu thế kỷ 19. Với lịch sử lâu đời, người dân Mễ Trì đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm như cốm tươi, cốm sấy, chả cốm, rượu cốm, xôi cốm, bánh cốm… để phân phối cho thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Nhưng do chưa có thương hiệu riêng nên các sản phẩm làm từ cốm của Mễ Trì thường bị gắn mác cốm làng Vòng. Để có thể gìn giữ, phát huy nghề truyền thống, cốm Mễ Trì cần có thương hiệu riêng thuận tiện cho việc quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, cốm Mễ Trì cần có khu sản xuất, kinh doanh tập trung để thuận tiện trong công tác quản lý và phát triển quy mô làng nghề.