Để chủ động phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp lễ, Tết, Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân 2015 Ất Mùi.
Ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội, cho biết: “Công ty dự kiến lượng khách đi lại vào dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán Ất Mùi sẽ tăng trung bình từ 20% đến 40% và thời gian cao điểm tăng khoảng 30% đến 50% so với ngày thường nên đã chuẩn bị tăng cường thêm 3.400 phương tiện để đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách.”
Theo dự báo của Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội, lượng khách đi lại vào dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán Giáp Ngọ sẽ có hai đợt cao điểm: đợt 1 chiều thứ Tư (ngày 31/12/2014), sáng thứ Năm (ngày 1/1/2015); đợt 2 bắt đầu từ chiều ngày 14/2 đến trưa ngày 17/2/2015 ( tức từ 26-29 tháng Chạp) và 10 ngày sau Tết Nguyên đán đối với các tuyến đường dài.
Đánh giá tổng quan về lượng khách đi lại trong dịp Tết Dương lịch 2015 (từ ngày 1/1/2015 đến hết ngày 4/1/2015), ông Tùng Anh cho rằng, lượng khách sẽ tăng nhiều so với ngày thường và tăng cao hơn ngày cuối tuần. Tuy nhiên, hiện nay, các phương tiện vận tải trên các bến đang hoạt động mới đạt bình quân hơn 50% hệ số trọng tải phương tiện, vì vậy, lượng xe đang hoạt động cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách.
“Đối với một số tuyến như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Vinh, Sơn La, Lào Cai sẽ có thể xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ vào một số thời điểm trong ngày," vị Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội cho hay.
Liên quan đến đợt nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 kéo dài 9 ngày, từ ngày 15/2 (tức ngày 27/12 năm Giáp Ngọ) đến ngày 23/2/2015 (ngày 5 tháng Giêng năm Ất Mùi), theo ông Tùng Anh, đợt cao điểm sẽ diễn ra trong khoảng ngày 14-17/2 vì đây là ngày bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán theo lịch đổi ngày làm nên những người làm công sẽ bắt đầu được nghỉ và về quê.
Tuy nhiên, ông Tùng Anh cũng nhìn nhận, số ngày nghỉ trước Tết dài nên khách sẽ dàn đều trong đợt. Dự kiến, lượng khách qua bến trong thời gian này sẽ tăng khoảng 30% đến 50% so với ngày thường và chỉ tập trung vào các tuyến đường ngắn.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội cũng cho rằng, đối với một số tuyến như: Thanh Hóa, Thái Bình, Vinh, Quảng Ninh… sẽ có thể xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ vào từng thời điểm nhưng lượng xe trên tuyến và xe dự phòng tăng cường vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày. Các tuyến buýt kế cận với tần suất cao sẽ giảm tải lượng hành khánh liên tỉnh đi các tuyến đường ngắn, nhưng dự kiến lượng khách năm nay sẽ ít có khả năng gây quá tải.
Trong thời gian trước Tết, lượng khách tập trung đông chủ yếu ở các tuyến đường ngắn, từ Vinh trở ra. Sau thời gian nghỉ Tết, lượng khách lại tăng mạnh trên các tuyến đường dài như: Sài Gòn, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột… tập trung chủ yếu tại bến xe Giáp Bát.
Để cung ứng được khả năng đi lại của hành khách, Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội đã tăng cường số lượng xe cho từng đợt nghỉ lễ Tết.
Cụ thể, tại Bến xe Giáp Bát, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm sẽ tăng 130-180% so với ngày thường và đạt mức từ 25.000-30.000 lượt khách/ngày. Lượt xe dự kiến là 1.150 lượt xe /ngày (tăng 1,3 lần so với ngày thường).
“Trước Tết, khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá. Sau Tết, khách tăng chủ yếu các tuyến đường dài: Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Gia Lai, Đăc Lắk, Kom Tum, Đắc Nông...,” lãnh đạo Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội nhận định.
Tại bến Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm sẽ tăng lên hơn 200% so với ngày thường và sẽ đạt ở mức từ 30.000 đến 35.000 lượt khách /ngày. Lượt xe dự kiến là 1.550 lượt xe /ngày (tăng gấp 1,2 lần so với ngày thường) chủ yếu ở các tuyến đường: Vinh, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh, Phú Thọ, Lào Cai...
Tại bến Gia Lâm, lượng khách cao nhất trong các ngày cao điểm từ 13.000 đến 15.000 lượt khách /ngày (tăng 200% so với ngày thường). Lượt xe dự kiến là 700 xe (tăng 1,3 lần so với ngày thường) chủ yếu tập trung ở các tuyến như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cẩm Phả, Bố Hạ, Cầu Gồ...
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội còn phối hợp với các đơn vị Xí nghiệp kinh doanh vận tải Hà Nội và Tổng Công ty vận tải Hà Nội để thuê bổ sung một số phương tiện vận tải dự phòng phục vụ tăng cường giải tỏa khách tại chỗ về bến quá đông, tránh ùn ứ cục bộ.
Để đảm bảo an toàn và thuận tiện cũng như tình trạng lợi dụng tăng giá vé, ông Tùng Anh cũng cho biết: “Công ty đã chỉ đạo các bến xe không để xảy ra hiện tượng khách lên xe không có vé, lấy tiền cao hơn giá vé quy định, lái phụ xe tranh giành khách, ép khách, xảy ra trong sân và ngoài quảng trường trong các ngày này. Nghiêm cấm việc ép khách, ép giá, tham gia dắt khách. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.”
Đối với các xe không đủ tiêu chuẩn chất lượng, ông Tùng Anh khẳng định, sẽ kiên quyết không cho xuất bến nếu vi phạm trong các hành vi như chở quá tải, hàng hóa lẫn với hành khách, chủ phương tiện uống bia rượu hoặc sử dụng các chất kích thích... đảm bảo an toàn về người và tài sản cho hành khách đi xe.
Ngoài ra, các xí nghiệp quản lý bến xe phối hợp với các đơn vị khác để tổ chức giao thông khoa học đảm bảo thông suốt trong quá trình điều hành; phối hợp với các cơ quan như công an địa phương, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự và Ban Thanh tra Giao thông vận tải Hà Nội kiểm tra, kiểm soát đảm bảo tốt an ninh trật tự trên các tuyến vận tải hành khách, chống các bến cóc, bến dù, xe chạy vòng vo ngoài bến.
Theo Việt Hùng