Trả lời PV Tiền Phong chiều 7/12, Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội Nguyễn An Huy cho biết, hiện Thanh tra thành phố đang cử các đoàn công tác đi khảo sát các tuyến phố lát đá vỉa hè, sau khi có kết quả sẽ lập các đoàn thanh tra. “Chậm nhất, đầu tuần tới sẽ lập các đoàn thanh tra làm việc với các đơn vị theo chỉ đạo của UBND thành phố”, ông Huy nói.
Có nên để các quận đầu tư lát vỉa hè?
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố Hà Nội mới đây, liên quan đến việc lát đá vỉa hè, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu các quận huyện không làm được thì UBND thành phố sẽ đề xuất với Bí thư Thành ủy và chủ tọa kỳ họp HĐND, phải thu gọn (giống như các nước) một đầu mối liên quan đến quản lý vỉa hè, lát lại vỉa hè khu nội đô. “Chúng ta để tràn lan nhiều công ty, nhiều nhà quản lý thế này sẽ không đảm bảo”, ông Chung khẳng định.
Liên quan vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một đại biểu thuộc Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, theo phân cấp nhiệm vụ, nguyên tắc thuộc nhiệm vụ chi của ai thì người chủ trì ngân sách đó quyết định giao cho đơn vị nào làm chủ đầu tư. “Những cái nào của thành phố thì Chủ tịch UBND thành phố có quyền giao cho đơn vị nào làm tốt hơn. Còn đoạn vỉa hè nào thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách quận, huyện thì do chủ tịch quận, huyện giao”, vị này nói. Vị này cũng cho biết, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, điều chuyển phân cấp đều thuộc thẩm quyền HĐND thành phố. Về quan điểm cá nhân, vị này cho biết, việc lát đá vỉa hè phải có đánh giá, xác định nơi nào làm tốt thì sẽ giao thực hiện. HĐND TP cần có khảo sát, đánh giá về việc này.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo HĐND thành phố Hà Nội cho biết, hiện, các quận, huyện đang làm theo quy định của Luật Ngân sách. “Bây giờ các quận phân cấp theo nhóm, hai là theo quy định thành phố quản lý cái gì, quận huyện quản lý những gì, tuyến đường nào... Lãnh đạo thành phố có phát biểu như vậy, nhưng phải trên cơ sở có một báo cáo tổng hợp, có đề án”, vị này nói. Theo vị này, hiện nay, UBND thành phố đang làm theo thẩm quyền, thấy tình hình lộn xộn đã cho thanh tra. Từ kết luận thanh tra, mô hình nào tốt thì UBND đề xuất.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội cho biết, tình trạng đá vỡ khi vừa lát vỉa hè ở Hà Nội có nhiều nguyên nhân. “Nguyên nhân thứ nhất là việc nghiên cứu mẫu đá. Về nguyên tắc, trong thí điểm đảm bảo khả năng chịu tải và độ bền 40 đến 60 năm, nhưng sản phẩm làm ra hàng loạt, áp dụng đại trà đã có kiểm tra kỹ chưa”, ông Nghiêm nêu vấn đề. Nguyên nhân thứ hai, theo ông Nghiêm là giải pháp thi công lát đá.
“Nếu như vỉa hè ngày xưa lát gạch tự chèn, có thể là nền cát nhưng đối với lát đá thì phải là nền vữa hoặc bê tông. Nhưng thực tế nhân dân kiểm nghiệm thấy nhiều nơi, khu vực lát đá không có lớp nền vững chắc mà chỉ trên cơ sở nền hiện trạng san ra, thậm chí đôi khi rễ cây vẫn còn để nguyên. Đó là điều không chấp nhận được”, ông Nghiêm nói.
Ông Nghiêm kiến nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát trong đầu tư công của các quận.
Kiểm tra nguồn gốc đá lát vỉa hè
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 6/12, ông Nguyễn Quang Hiếu, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, đã giao cán bộ chức năng kiểm tra lại nguồn gốc xuất xứ đá tự nhiên lát vỉa hè. Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cũng thông tin, liên quan đến tuyến đường 2,5 (đường Đền Lừ - PV) đang thi công, sau khi báo Tiền Phong có phản ánh, UBND quận đã yêu cầu Ban Quản lý dự án quận, các đơn vị liên quan thường xuyên giám sát thi công. Ngay cả đơn vị tư vấn giám sát nếu làm không tốt cũng bị lập biên bản để xử lý.
Ông Hiếu cũng cho biết, quận sẽ tiếp tục thi công lát đá vỉa hè hoàn thiện tuyến 2,5, để tránh việc mưa phùn gió bấc ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Trước câu hỏi làm sao đảm bảo sự bền vững của kết cấu đá vỉa hè, ông Hiếu cho rằng cần 2 điều kiện. Thứ nhất là chất lượng thi công, sau đó là ý thức của người dân. UBND quận tổ chức công tác tuyên truyền cho người dân có mặt tiền gắn với vỉa hè để người dân có ý thức hơn. “Quận cũng đã giao cho anh em công an xử lý nghiêm các trường hợp ô tô dừng đỗ trên vỉa hè, đặc biệt ở tuyến đường Giải Phóng để đảm bảo chất lượng vỉa hè”, ông Hiếu cho hay.
Đại diện lãnh đạo Ban QLDA quận Hà Đông cho biết, dự án đầu tư cải tạo nâng cấp vỉa hè Quốc lộ 6A đoạn Phùng Khoang - Ba La quận Hà Đông chiều dài gần 5km với tổng các gói thầu gồm phòng cháy chữa cháy, hạ ngầm đường điện, trạm biến áp, cáp thông tin, viễn thông và hạ tầng toàn tuyến với tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng. Ban QLDA quận cũng thừa nhận nhiều vị trí vỉa hè đã lát đá bị hư hỏng.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tạm dừng các dự án lát đá vỉa hè
Chiều 7/12, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội phát đi thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung liên quan đến việc lát đá vỉa hè, gây dư luận xấu trong thời gian vừa qua. Theo đó, UBND thành phố giao các quận huyện, thị xã làm chủ đầu tư các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống hè đường theo nguyên tắc chỉ triển khai thực hiện trên các tuyến phố có vỉa hè đã xuống cấp, sử dụng vật liệu tự nhiên có độ bền đảm bảo 50 - 70 năm...
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các sở ngành, quận, huyện chấn chỉnh việc cải tạo, chỉnh trang vỉa hè trong thời gian tới. Các dự án đang chuẩn bị triển khai đầu tư, cải tạo xây dựng vỉa hè tạm dừng thực hiện và tiến hành rà soát, trường hợp đủ điều kiện mới tiến hành.
Nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, rà soát làm rõ trách nhiệm và xử lý việc làm sai chỉ đạo của thành phố; Thực hiện rà soát lại ngay kế hoạch chỉnh trang vỉa hè, chỉ triển khai làm mới các vỉa hè đã xuống cấp và không đảm bảo chất lượng.
Thành phố yêu cầu các quận huyện thị xã báo cáo về Sở Xây dựng trước ngày 10/12/2017; Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo thành phố trước ngày 25/12/2017.
Hiểu Minh