Theo UBND thành phố Hà Nội, cầu Vĩnh Tuy hiện nay sẽ được mở rộng gấp đôi, phân tách hai làn lưu thông riêng biệt, tăng cường tối đa khả năng thông hành cho dòng phương tiện.
Cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chịu được động đất cấp 8, tổng chiều dài và đường dẫn khoảng 3,47km gồm các hạng mục: Cầu chính vượt dòng chủ; cầu dẫn trên bãi sông phía Bắc; cầu vượt đê Tả Hồng và cầu dẫn phía Long Biên.
Dự án sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2020 - 2022.
Cầu có điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai, điểm cuối giao với đường Cổ Linh và Thạch Bàn.
UBND thành phố Hà Nội giao Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phốHà Nội - đơn vị được giao làm chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chuẩn xác về khối lượng, kinh phí; kết quả tính toán kết cấu, thủy văn và tính hợp pháp của hồ sơ trình phê duyệt; năng lực của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, lập dự án, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi.
Đặc biệt, chỉ được triển khai các bước tiếp theo của dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được cấp có thầm quyền phê duyệt.
Trong trường hợp báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt làm thay đổi nội dung cơ bản của dự án được duyệt phải tiến hành các thủ tục trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án theo quy định.
Khi triển khai thực hiện, Ban QLDA Công trình giao thông chỉ đạo nhà thầu tháo dỡ các phiến dầm 1 đã thi công trong giai đoạn 1 đảm bảo kỹ thuật, không gây hư hỏng; phối hợp với Sở GTVT, Sở Xây dựng để đánh giá chất lượng của hệ thống hầm 1 sau khi tháo dỡ và thống nhất phương án thu hồi, tái sử dụng đảm bảo hiệu quả kinh tế kỹ thuật.