Hà Nội: Phát triển thành phố không tính đến thoát nước

Hà Nội: Phát triển thành phố không tính đến thoát nước
TP- Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học, tốc độ đô thị hóa nhanh về phía Tây như hiện nay của Hà Nội khiến các công trình thủy lợi phục vụ cho việc tiêu thoát nước của thành phố bị quá tải. Hà Nội cần xem xét lại quy hoạch thủy lợi một cách tổng thể thoát nước của thành phố.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư chiều qua, Thứ trưởng NN&PTNT Đào Xuân Học cho rằng thời gian tới cần phải đánh giá lại năng lực tiêu nước của sông Tô Lịch cũng như quy hoạch các trạm bơm tiêu lũ.

Điều này do nghiên cứu cho thấy nếu diện tích đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng thêm 7% thì lưu lượng cần tiêu tại các khu đô thị sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay.

Ông Học cũng cho biết trước đó ông có nói với Sở Xây dựng Hà Nội về việc cần phải trả lời câu hỏi “Đô thị hóa toàn bộ phía Tây Hà Nội thì nước sẽ tiêu đi đâu?” khi quy hoạch tiêu nước cho thành phố. Tuy nhiên câu hỏi này đã không được Sở Xây dựng Hà Nội trả lời.

Như vậy nghiễm nhiên, sông Nhuệ trở thành trục tiêu cho toàn bộ phía Tây Hà Nội. Kể cả sông Tô Lịch cũng vậy trong khi trước kia con sông này chủ yếu tiêu cho phần bờ tả của sông thì nay phải tiêu cho cả thành phố mới và cũ. Vậy sông Tô Lịch có đủ năng lực tiêu nước cho thành phố hay không cũng là vấn đề phải đặt ra khi tiến hành quy hoạch thoát lũ cho thành phố.

Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết năm 2006, thị xã Hà Đông ngập nửa diện tích do đô thị hóa của phần phía Tây Hà Nội quá nhanh trong khi cống Hà Đông bị nghẽn. Trước đây cống này được xây dựng với năng lực tiêu nước cho lúa nên lưu lượng rất nhỏ.

Còn hiện nay do tốc độ đô thị hóa nhanh nên lưu lượng nước cần tiêu tăng gấp đôi. Đó là chỉ tính riêng cho khu vực Hà Đông và chưa tính tới toàn bộ khu vực phía Tây. Nếu việc quy hoạch thoát nước cho Hà Nội không giải quyết nhanh thì hậu quả sẽ rất nặng nề.

Cũng theo ông Học, năm 1987 khi làm quy hoạch tiêu thoát nước cho Hà Nội chưa tính đến thoát lũ cho cả Hà Nội mở rộng, khi đó quy hoạch thoát lũ chỉ bao gồm 4 trạm bơm, tuy nhiên, cho đến nay mới xây dựng được 1 trạm bơm Yên Sở.

Trong thời gian tới, phải xây dựng thêm, vì 1 trạm bơm Yên Sở không đủ tiêu thoát nước cho Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội mở rộng ra phía Tây, hệ thống tiêu thoát nước càng quá tải, vì khu vực phía Tây hầu như toàn bộ đổ nước vào sông Nhuệ.

Song, sông Nhuệ trước đây là tiêu nước cho lúa, giờ tiêu cho đô thị không phù hợp. Hệ số tiêu nước cho đô thị có yêu cầu cao gấp khoảng 15 lần tiêu cho lúa. Vì vậy, cống Hà Đông hiện tại không đáp ứng được việc tiêu thoát nước cho phía Tây của thành phố.

Cần xem xét lại quy hoạch tổng thể thoát nước Hà Nội

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Nguyên Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống lụt bão (Bộ NN&PTNT) cho biết thời gian tới cần tính đến việc quy hoạch cho tiêu thoát nước mùa chính vụ.

Theo đó, đợt mưa này lại bất ngờ xảy ra vào mùa khô nên trạm bơm không kịp trở tay. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa ở Hà Nội quá nhanh cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng ngập úng.

“Người Nhật khi thiết kế cũng chỉ tính toán đến việc thoát nước cho chùm đô thị lẻ Đền Lừ, Pháp Vân... mà thiếu phần Vĩnh Tuy, Phúc Hiệp, Yên Vĩ... Những nơi này trước là khu vực nuôi cá kiêm hồ chứa nước tạm thời. Tuy nhiên các hồ này hiện đã bị lấp đầy trở thành các khu đô thị. Quá trình đô thị hóa nhanh ở phía Tây Nam thành phố cũng khiến cho năng lực tiêu nước của Hà Nội giảm hẳn” - Ông Hồng cho biết.

Ông Trần Ái Quốc, Trưởng phòng Tưới tiêu và Cấp thoát nước, Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cũng cho rằng việc tiêu thoát nước tại khu đô thị mới hiện nay là vấn đề nan giải.

“Tiêu nước cho lúa có khi chỉ cần 3 lít/giây/ha. Nhưng với đô thị, con số này phải cao gấp 4-5 lần, thậm chí là 7 lần mới kịp. Trong khi đó, tiêu thoát nước của Hà Nội hiện chỉ đạt 4-5 lít/giây/ha. Vì vậy thời gian tới cần xem xét lại quy hoạch tổng thể thoát nước Hà Nội”- Ông Ái cho biết.

MỚI - NÓNG