Hà Nội: Nước đã rút 4cm

Hà Nội: Nước đã rút 4cm
Sáng 3/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo phương án thoát nước ở khu vực nội thành Hà Nội: đóng van xả ở hồ Tây, nạo vét hồ Ngọc Khánh, mở hai cửa ra sông Tô Lịch, hồ Tây để nhanh chóng làm giảm mức nước trong nội đô.

Các tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, Lương Đình Của, Thái Hà, Thái Thịnh là những điểm ảnh hưởng lớn nhất đến giao thông, cần nhanh chóng hạ mức nước để các phương tiện giao thông lưu thông thuận tiện.

Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý, khu vực Kim Liên có mức nước rất sâu, vì vậy cần phát huy tối đa công suất của máy bơm tại đây với công suất 3.000m3/h, tận dụng trạm bơm nước thải ở Kim Liên để bơm nước thoát ra khỏi khu vực nội thành.

4 trạm bơm Đồng Bông, Siêu Quần 1, Siêu Quần 2, Hòa Bình, có tổng công suất 87.000 m3/h bằng 1/3 trạm bơm Yên Sở, phải chuẩn bị sẵn sàng để khi mực nước sông Nhuệ rút xuống sẽ khẩn trương bơm hút ra sông này.

Tại trạm bơm Đông Mỹ, ngoài việc phát huy công suất của 20 máy bơm đang chạy, trạm bơm có kế hoạch triển khai những máy bơm nhỏ. Trong trường hợp không đủ điện, phải sử dụng máy nổ để bổ sung điện và phải làm ngay trong ngày 3/11. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng rà soát lại một lần nữa các khu vực, các hồ thu nước để chứa nước về.

Hiện nay, tình hình thoát nước ở nội thành Hà Nội đã khả quan hơn. Trong 3 giờ qua, mực nước tại trạm bơm Yên Sở đã giảm được 4cm.

Hải Dương: Không rời mắt khỏi đê

Đến sáng 3/11, mưa lớn ở Hải Dương đã gây ngập úng cục bộ 4.950 ha trên tổng số 17.935 diện tích cây vụ đông đã trồng tại 12/12 huyện, thành phố, trong đó bị ngập nặng là 1.779 ha. Ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Diện tích cây vụ đông ngập úng nặng chủ yếu là trồng cà rốt (615 ha ở các huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà, Nam Sách); 519 ha hành, tỏi ở Kinh Môn... Mưa lớn, lốc xoáy đã làm bị thương 2 người ở xã Lam Sơn (huyện Thanh Miện), nhiều cây cối bị đổ gãy. Nhiều tuyến đường, nhà dân ở thành phố Hải Dương liên tục bị ngập sâu.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ trên sông Thái Bình lên mức báo động 2. Lũ sông Thái Bình tại Phả Lại ở mức 4.35 m. Các đơn vị, địa phương tăng cường đôn đốc tuần tra canh gác đê; phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ đầu mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là. Tỉnh tiếp tục ưu tiên cung cấp điện cho các trạm bơm tổ chức tiêu úng và khoanh vùng bơm tiêu cúng cho các vùng có diện tích cây vụ đông tập trung, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại.

Điện Biên: Đèo Pha Đin sạt lở

Trong hai ngày qua, mưa vừa đến mưa to đã gây sạt lở và làm tắc cục bộ một số điểm trên tuyến Quốc lộ 279 và Quốc lộ 6 đi qua địa bàn. Công ty sửa chữa đường bộ 226, Sở Giao thông Vận tải Điện Biên cho biết: mưa lớn đã làm trơn trượt nền đường cộng với việc sạt lở mái ta luy âm và dương đã làm cho nhiều đoạn đường bị tắc cục bộ.

Km 6, tuyến quốc lộ 279 ở dốc Ta Cơn qua xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo và km 383 đến km 384 trên quốc lộ 6, qua đèo Pha Đin là những đoạn có nền đường trơn trượt và sạt lở nhiều nhất.

Hiện nay, các đơn vị thi công ở hai đoạn đường này đã giải phóng đất đá, khai thông nền đường, rải đá chống trơn trượt đảm bảo thông xe tạm thời. Tuy nhiên, do lượng đất đá sạt lở lớn trong nhiều tháng qua, đoạn đường qua đèo Pha Đin mới chỉ đảm bảo thông cho một làn xe.

Tuyên Quang: sông Lô vượt báo động 1

Mưa lớn kéo dài, lượng nước từ thượng nguồn đổ về lớn nên mực nước sông Lô đang lên nhanh. Thủy điện Tuyên Quang tiếp tục mở thêm 4 cửa xả nước nữa để đảm bảo an toàn cho công trình.

Như vậy, thủy điện Tuyên Quang đã mở 5 cửa xả nước với lưu lượng 4000m3/s. Theo dự báo đến 19h ngày 3-11, mực nước sông Lô sẽ đạt 23,50m cao hơn mức báo động 1 là 1,50m nên có khả năng gây ngập lụt.

Mưa lớn đã làm ngập úng và sạt lở đường tại một số xã tại huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Huyện Sơn Dương đã có hơn 300 ha lúa và hoa màu bị ngập úng hoàn toàn. Huyện Yên Sơn có hơn 200ha lúa và hoa màu bị ngập úng; hơn 26ha ao hồ bị ngập...

UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các huyện, thị xã tổ chức kiểm tra ngay các vùng xung yếu thường xảy ra lũ ống, lũ quét để có kế hoạch sơ tán dân đến vùng an toàn.

Các xã có đê tổ chức ngay việc kiểm tra đê, cống dưới đê, kịp thời phát hiện các sự cố để có biện pháp khắc phục; tổ chức tuần tra canh gác đê 24/24h. Các lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tổ chức trực 24/24 giờ, bố trí đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu.

Nghệ An: Gián đoạn giao thông

Chiều và đêm 2/11, tại các huyện miền núi Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp (Nghệ An)…mưa lớn kéo dài gây sạt lở mái ta luy dương trên quốc lộ 48, từ km 103 đến km 103 + 250, xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu), với khối lượng đất, đá bị sạt lở ước khoảng trên 5.000m3, gây tắc nghẽn giao thông.

Đến 5g ngày 3/11, tuyến đường từ huyện Quỳ Châu lên huyện Quế Phong đã bị gián đoạn. Ngoài ra, tại km 107 + 700 trên cầu tràn Khe Cong; từ km 111 + 500 đến km 112 + 163 thuộc tràn Phú Phương 1, Phú Phương 2 và từ km 120 + 830 tràn Châu Kim, nước đang ngập sâu từ 0,5-1,5 m.

Ngành giao thông vận tải tỉnh đã huy động nhân lực, phương tiện san, gạt phấn đấu 18g ngày 3-11 thông xe. Đối với các đoạn bị ngập, các đơn vị quản lý giao thông cử người trực gác hai đầu vị trí ngập, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông.

Vĩnh Phúc: gồng mình cứu đê Cà Lồ

Mưa bắt đầu ngớt nhưng nước ngập úng tiêu thoát rất chậm, nhiều nơi còn giữ nguyên. Hệ thống sông Cà Lồ chảy qua địa bàn dẫn nước vào hệ thống sông Cầu đang bị dâng cao vì nước từ các hồ, đập vùng thượng lưu đang xả tràn đổ về trong khi mực nước sông Cầu đang ở mức cao. Nếu hai đoạn đê này bị vỡ sẽ ảnh hưởng tới trên 10 xã thuộc các địa bàn thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, huyện Yên Lạc với trên 10.000 ha và trên 10.000 hộ dân.

Đoạn đê hữu của sông dài gần 1 km ở xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên và đoạn đê Sáu Vó gần 02 km thuộc xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên đang bị đe doạ nghiêm trọng. Đây là các đê xây dựng bằng đất, đã bị ngập nước từ 3-4 ngày qua đang có dấu hiệu bị nhũn nhão.

Đê Sáu Vó đoạn xã Tân Phong cốt nước đang trên 9 m (bình thường chỉ 4-5 m) đã bị hai cung sạt lở dài trên 200m, 1 điểm rò mang cống, 2 đoạn bị sóng đánh mạnh theo dòng chảy liên tục táp sóng vào bờ đất, 2 đoạn đê bị tràn, mỗi đoạn tràn dài trên 30 m.

Đê Nam Viêm có 2 mạch sủi, 2 đoạn có dấu hiệu lún đất, cốt nước xấp xỉ 10 m (bình thường chỉ 6-7m). Theo dự báo, tình trạng ngập nước có thể kéo dài trong vòng 6-7 ngày nữa...

3 ngày nay, tỉnh huy động trên 10.000 lượt bộ đội thuộc Quân khu II, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc và dân quân tự vệ các địa phương, các đội thanh niên xung kích ở các xã trong vùng như kế hoạch liên tiếp canh trực và thực hiện các việc làm hộ đê.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cử lãnh đạo thường trực 24/24 h trong ngày. Ở khu vực đê Sáu Vó, hai con chạch lớn đã được gia công, lấp kín đoạn đê bị tràn. Mang cống bị rò cũng đã được bịt kín vào 24 giờ ngày 2/11.

Tại hai điểm ngoặt dòng chảy, trên 300 m2 phên đã được dựng để chắn sóng. Ở đê Nam Viêm, các lực lượng hộ đê đã thả kè, rọ đá phía chân đê các điểm có dấu hiệu nhũn nhão. Các mạch sủi đã được dò tìm đầu lỗ để xử lý theo phương án khoan phụt vữa bêtông.

Phương án sơ tán dân và đảm bảo cho người dân ít bị ảnh hưởng nếu như không giữ nổi đê đã được chuẩn bị kỹ. Xuồng cứu hộ, lực lượng thực binh của Quân khu II và BCH quân sự tỉnh, cơ số thuốc, nước sạch, lương khô, mì tôm... đều đã được chuẩn bị. Các bãi tập kết cũng đang được chuẩn bị kỹ. Lực lượng công an, dân quân tự vệ tích cực hoạt động bảo vệ trị an, bảo vệ tài sản của nhân dân.

Đến thời điểm này, mưa lũ đã làm 4 người địa phương và 2 khách vãng lai thiệt mạng, 1 người bị thương do sét đánh; trên 1.000 ngôi nhà bị ngập nước trong đó 12 ngôi bị sập đổ. Khoảng 17.000 ha hoa màu bị ảnh hưởng, trong đó trên 8.500 ha mất trắng, thiệt hại ước trên 300 tỷ đồng. Địa phương đang lên kế hoạch hỗ trợ nhân dân, khắc phục hậu quả, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân sau lũ lụt.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG