Hà Nội nhìn thẳng vào những yếu kém, bất cập

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng lãnh đạo thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội giữa giờ giải lao tại phiên khai mạc hôm qua. Ảnh: Nguyễn Tú.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng lãnh đạo thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội giữa giờ giải lao tại phiên khai mạc hôm qua. Ảnh: Nguyễn Tú.
TP - Ngày 1/12, kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV đã chính thức khai mạc. Tại kỳ họp này các đại biểu HĐND thành phố thảo luận xem xét quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, kỳ họp thứ XIV dành 4 ngày để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc đánh giá nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của thành phố năm 2015, nhiệm vụ năm 2016...

Theo bà Ngọc tại kỳ họp này HĐND thành phố sẽ dành 1 ngày để thực hiện chất vấn các thành viên UBND thành phố. Trọng tâm của phiên chất vấn sẽ là giám sát việc thực hiện các kết luận của HĐND thành phố, các ban HĐND thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Phát biểu tại kỳ họp, ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, người trực tiếp chỉ đạo Thành ủy Hà Nội cho biết, tại kỳ họp này HĐND thành phố sẽ tiến hành một công việc quan trọng là kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND thành phố. Theo nguyện vọng của ông Nguyễn Thế Thảo, Bộ Chính trị và Chính phủ đã đồng ý để ông Nguyễn Thế Thảo thôi giữ chức Chủ tịch UBND thành phố, tạo điều kiện để thành phố kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tại kỳ họp lần này. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI vừa qua, ông Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an thành phố đã được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy, đồng thời được cấp trên đồng ý giới thiệu để HĐND thành phố bầu làm Chủ tịch UBND Thành phố theo đúng qui trình và thủ tục.

Tới dự và phát biểu tại phiên khai mạc HĐND thành phố Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao những kết quả Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhận định, tình hình năm 2016 diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế trong nước tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới, bên cạnh đó cũng là năm thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi Hà Nội phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả cao nhất trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, kỳ họp thứ XIV là dịp để thành phố nhìn lại những gì đã làm được, chưa làm được để từ đó đề ra các giải pháp phù hợp cho thời gian tới, mà trước mắt là kế hoạch 5 năm tới.

Thừa nhận quản lý xây dựng còn yếu kém

Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2015 của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, năm 2015 ước tăng 9,24%, mức tăng trưởng cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận, năm 2015 Hà Nội còn 4 hạn chế, yếu kém. Đó là, xuất khẩu đã phục hồi so với đầu năm nhưng chuyển biến chậm và ước cả năm 2015 không đạt kế hoạch. Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng so với năm trước.

Thứ hai, tiến độ một số công trình trọng điểm chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Thi công xây dựng ở một số dự án chưa đảm bảo an toàn lao động theo quy định. Việc phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự xây dựng ở một số địa phương chưa kịp thời.

Thứ ba, còn có những bức xúc của người dân liên quan quản lý nhà chung cư tái định cư, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông xuất hiện trở lại tại một số khu vực phía Tây thành phố.

Thứ tư, công tác thông tin tuyên truyền có kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn còn chưa đầy đủ và kịp thời, còn hiện tượng ngại, né tránh cơ quan truyền thông.

Theo lãnh đạo thành phố, nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do trong lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số cấp, ngành, lĩnh vực giải quyết công việc thiếu tập trung, chưa thực sự quyết liệt, chưa chủ động. Ý thưc chấp hành pháp luật của một số người vi phạm trật tự giao thông, trật tự xây dựng đô thị còn hạn chế, chế tài xử phạt còn thấp chưa đủ mạnh.

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ năm 2016, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, năm 2016 Hà Nội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và hội nhập. Thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, Hà Nội tiếp tục chọn năm 2016 là “Năm trật tự và văn minh đô thị”, thực hiện các mục tiêu đảm bảo trật tự xây dựng và văn minh đô thị, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông…     

Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người 85-87 triệu đồng/năm

Chiều 1/12, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 của Thủ đô với 83,7% đại biểu tán thành.

Các chỉ tiêu chủ yếu đề ra như về kinh tế tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 8,5-9,0%; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người 85-87 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn mới) so với năm trước là 1,3%; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

Chi hơn 2.000 tỷ đồng để giảm ùn tắc giao thông

Chiều 1/12, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí thực hiện 2.167,7 tỷ đồng.

Báo cáo HĐND chiều 1/12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện mục tiêu, số điểm ùn tắc giao thông đã giảm từ 89 xuống 51 điểm, nhiều nút giao thông thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng đã được giải quyết cơ bản. Tuy nhiên tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố dự kiến sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường nhất là khu vực nội đô từ đường vành đai 3 trở vào và trên một số tuyến đường trục hướng tâm.

Từ yêu cầu thực tế trên theo ông Hùng phải tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn giai đoạn 2016 – 2020. Mục tiêu được đặt ra là triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và trên tất cả các trục hướng tâm chính ra vào nội đô, các đường vành đai 1, 2 và 3, các khu vực đầu mối giao thông. Qua đó mục tiêu đề ra là giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông và không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn. Cùng với đó, mỗi năm sẽ giảm tai nạn giao thông từ 5 – 15% trên cả ba tiêu chí.

Để triển khai kế hoạch này, UBND Thành phố đề xuất tổng kinh phí giai đoạn 2016 – 2020 là 2.167 tỷ đồng, được phân bổ theo từng năm. Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn lực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm theo tinh thần Luật Thủ đô. Các Bộ, ngành Trung ương sau khi di dời trụ sở địa điểm mới, đề nghị giao lại các trụ sở cũ cho thành phố Hà Nội quản lý, sử dụng vào mục đích giao thông công cộng.

Dũng Nguyễn

MỚI - NÓNG