Hà Nội: Nghịch lý dự án giao vốn nghìn tỷ, giải ngân được vài trăm triệu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa - giai đoạn 1 được giao kế hoạch vốn năm 2022 là 1.043 tỷ đồng, đến nay, mới giải ngân 213 triệu đồng, đạt tỷ lệ 0,02%.
Hà Nội: Nghịch lý dự án giao vốn nghìn tỷ, giải ngân được vài trăm triệu ảnh 1

Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa. Ảnh: Duy Phạm

Theo UBND thành phố Hà Nội, đến ngày 16/6, toàn thành phố giải ngân được 8.883,168 tỷ đồng, đạt 17,4% kế hoạch; ước 6 tháng đạt 10.215 tỷ đồng, đạt 20,0% dự toán, bằng tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, theo báo cáo của thành phố Hà Nội, lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật cấp, thoát nước chỉ giải ngân đạt 1/272 tỷ đồng (0,4% kế hoạch).

Các dự án thuộc nhóm này đều thuộc diện chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình cấp nước, thoát nước và môi trường.

Trong đó, Dự án hệ thống thoát nước, hồ điều hoà, trạm bơm tiêu Vĩnh Thanh (huyện Đông Anh), kế hoạch vốn năm 2022 là 100 tỷ, hiện giải ngân đạt 500 triệu đồng (tỷ lệ 0,50%); Dự án xây dựng, nâng cấp trạm bơm Phương Trạch (huyện Đông Anh), kế hoạch vốn 2022 là 172 tỷ đồng, hiện giải ngân đạt 500 triệu đồng, tỷ lệ 0,29%.

Báo cáo cũng nêu, kết quả giải ngân của Ban QLDA ĐTXD công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội kế hoạch vốn được giao năm 2022 là hơn 2.442 tỷ đồng; kết quả giải ngân mới được hơn 23,7 tỷ đồng, tỷ lệ chỉ đạt 1%.

Ở lĩnh vực thuỷ lợi, theo thông tin từ UBND thành phố, kế hoạch vốn năm 2022 là hơn 2.169 tỷ đồng, đến nay giải ngân được hơn 76,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3,54%.

Trong lĩnh vực thuỷ lợi, có 9 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020, với kế hoạch vốn năm 2022 hơn 1.587 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 58,14 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3,66%.

Cụ thể, trong số 9 dự án này có 2 dự án công trình trọng điểm. Đầu tiên là dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội - Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa - giai đoạn 1, với kế hoạch vốn năm 2022 là 1.043 tỷ đồng, nhưng theo số liệu thống kê, đến nay, mới giải ngân 213 triệu đồng, đạt tỷ lệ 0,02%. Chủ đầu tư dự án là Sở NN&PTNT.

Công trình trọng điểm 2016 - 2021 thứ 2 là dự án tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, kế hoạch vốn năm 2022 là 400 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa có số liệu giải ngân. Chủ đầu tư dự án là Sở NN&PTNT.

Cũng trong lĩnh vực thủy lợi, một số dự án khởi công năm 2021 cũng có kết quả giải ngân quá thấp. Như dự án cải tạo, nâng cấp sông Cầu Bây (Gia Lâm), kế hoạch vốn năm 2022 là 80 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân được hơn 1,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 1,70%. Chủ đầu tư là Ban QLDA ĐTXD công trình NN&PTNT.

Hay dự án xây dựng trạm bơm Văn Khê và hệ thống kênh tiêu ra sông Hồng trên địa bàn huyện Mê Linh, kế hoạch vốn năm 2022 là 150 tỷ đồng, nhưng giải ngân mới đạt 2,47 tỷ đồng, tỷ lệ 1,65%. Chủ đầu tư cũng là Ban QLDA ĐTXD công trình NN&PTNT.

Dự án cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới cụm công trình đầu mối trạm bơm Bộ Đầu (huyện Thường Tín) cũng chỉ đạt kết quả giải ngân 3,29% trong số vốn kế hoạch 80 tỷ đồng.

Riêng dự án cải tạo, nâng cấp kênh tiêu T1B và hệ thống kênh tiêu Hát Môn (gồm kênh tiêu Hát Môn, B1, B2, B3) huyện Phúc Thọ đạt tỷ lệ giải ngân 30,38% trong số vốn 40 tỷ đồng.

Có 7 dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi nằm trong danh sách khởi công mới năm 2022, với số vốn kế hoạch năm 2022 là 232 tỷ đồng, đến nay chưa giải ngân. Chủ đầu tư 7 dự án này là Sở NN&PTNT Hà Nội.

Lĩnh vực môi trường có 3 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 – 2020, có 2 công trình trọng điểm, trong đó có Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có kế hoạch vốn 2022 2.100 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được hơn 22,7 tỷ đồng, đạt 1,08%. Chủ đầu tư là Ban QLDA ĐTXD công trình cấp nước, thoát nước và môi trường.

MỚI - NÓNG
Đoạn đường Nguyễn Trãi bên cạnh hầm chui Thanh Xuân mênh mông nước tối 7/9. Ảnh: Thái An.
Mưa tối ngập đường Hà Nội, xe chết máy, rác trôi đầy
TPO - Tối nay (7/9), thêm nhiều cây xanh đổ gãy trên đường phố Hà Nội, nhưng người đi đường sợ hơn cả vẫn là tình trạng ngập nước ở một số nơi. Xe chết máy, nhiều người bì bõm, hì hục dắt xe cả đoạn phố dài, trong khi rác sinh hoạt, phế thải xây dựng lững lờ trôi…