Hà Nội, mùa rút giải

Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam Vũ Quốc Khánh điều khiển cuộc họp giàu kịch tính cuối tháng 10. Ảnh: Lưu Quang Phổ.
Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam Vũ Quốc Khánh điều khiển cuộc họp giàu kịch tính cuối tháng 10. Ảnh: Lưu Quang Phổ.
TP - Những giải thưởng ít ai để ý, đến khi có chuyện bỗng bộc lộ ít nhiều thú vị về đời sống văn nghệ và rộng hơn.

Bi hài ở vụ đạo văn

Khi đến báo Tiền Phong nói lại bài tố mình đạo văn, ông Trần Mạnh Thường tâm tình: 8 chục tuổi 6 chục cuốn sách, cần gì danh tiếng nữa mà phải đạo văn lấy tiếng. Sếp sòng Hội Nhà văn Hà Nội cũng nói Phan Huyền Thư đâu bí từ đến nỗi phải thuổng. Chỉ đói mới ăn vụng túng mới làm liều thì cuộc đời hóa ra đơn giản quá. Trái lại người ta hay ngờ những của nả có phốt, phần mồ hôi nước mắt bao nhiêu, bao nhiêu do xà xẻo mà có.

Ông Thường thách thức Chu Chí Thành: Hãy thuê dịch Lịch sử Nhiếp ảnh để đối chiếu, nếu giống hoàn toàn sẽ chịu thua. Cả đời viết lách (ông công tác ở NXB Văn hóa Thông tin đến khi về hưu, từng là Phó Ban Lý luận Phê bình Hội NSNA Việt Nam) mà ông làm như không hiểu rằng đâu cần giống từng chữ mới là đạo. Chỉ na ná, ang áng đã chết rồi. Ông Thành cảm thán: Cả đời làm xuất bản, biết đề tên mình lại không biết đề tên người khác. Nói không đọc sách gốc bao giờ, ôi thế thì giỏi quá, hai thiên tài gặp nhau!

Sếp ông Thường ở Hội, Chủ tịch hai khóa liền, cũng làm xuất bản mãi (Giám đốc NXB Thông Tấn), thế mà cứ ngây thơ cụ, nói sao đoán được ai đạo, chỉ tòa mới quyết nổi. Đứng đầu một Hội chính trị xã hội nghề nghiệp, hàng năm nhận đủ tiền tài trợ sáng tác và làm giải của nhà nước mà suốt ngày kêu khó: Không có kinh phí, không có năng lực (thuê dịch, thuê thẩm định). Khi các hội viên giỏi ngoại ngữ tuyên bố sẵn sàng “giúp không”, ông lại nảy lý lẽ khác: “Anh Thành tố đạo nhưng ông Thường không nhận thì làm thế nào?” Thế đẻ ra Ban Kiểm tra, Ban Lý luận Phê bình chỉ để vui đâu chầu đấy thôi sao?

Một hội đàm đậm chuyên môn lẽ ra phải gồm những người đầu ngành, các nhà lý luận phê bình và nhóm liên quan, cuối cùng “đội nhà”- người của văn phòng Hội áp đảo- hơn chục người trong đó ba lái xe, các nhân viên hành chính kế toán, quảng cáo... Anh luật sư công ty Bảo Ngọc được Hội thuê “tư vấn” vừa cất tiếng, ngửi ngay mùi “quân xanh”, “chân gỗ”. Đời thuở nhà ai tư vấn luật mà không đọc văn bản tài liệu, lại cứ khuyên lấy chữ tình làm trọng. Hoặc có giỏi thì lôi nhau ra tòa chứ khó mà thắng nổi (bên bị tố đạo văn)!

Ngày nay ở Việt Nam, nếu bạn thấy việc sai trái mà không im miệng hoặc không tỏ ra xuề xòa tuế tóa, bạn mang tiếng ác hoặc GATO (ghen ăn tức ở). Bạn phải tương thân tương ái, vị tình, văn nghệ sĩ với nhau con người với nhau, cái gì không nên không phải bỏ quá- dù đang ở tình cảnh trớ trêu thế nào. Cuộc phân xử chính tà mà từ luật sư đến người có chức trách (phó Ban Lý luận Phê bình Văn Thành, Phó Ban Kiểm tra Trần Trọng Độ và Chủ tịch Hội) đều kêu gọi nên hòa không nên chiến, có phải hài hước lắm không?

Vụ Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới vừa qua, lúc đầu tưởng nhạt nhưng càng tò mò dấn sâu, càng lắm sự bi hài. Tuy nhiên dù có thế nào, khi anh không có sự thật, lẽ phải trong tay thì mẹo mực, đòn phép mấy cũng khó bề cứu vãn. Người ta nói “Giản dị như chân lý” là thế.

Tấn trò đời ở vụ đạo thơ

Đọc tên bài Độc ẩm với Lã Bất Vi đã thấy ngộ. Đàn bà vui thú quả khác đàn ông thật. Đã độc ẩm lại còn với? Có phải đối ẩm đâu? Ai gọi uống cà phê là độc ẩm nhỉ, chỉ rượu thôi. Đó là chưa kể, biết gì về Lã Bất Vi? Nội dung càng không liên quan. Buổi sáng muốn ôm anh thì liên quan gì ông thương nhân buôn vua? Có phải là cố tình tạo hiện trường giả không?

Nhiều tiếng luận bàn: “Du Tử Lê không lên tiếng thì thôi, cớ sao những kẻ vô can lại thò mũi. Cô ấy vào nhà mình khoắng trộm chắc?” Người bị hại có thể im tiếng nhưng chứng nhân, vốn không thiểu năng, lại bị coi là vô giá trị thì sự bàn rùn của mình giá trị với ai?

Cuối cùng Du Tử Lê cũng lên tiếng đấy thây. Không một lời nhắc tên ai nhé, chỉ câu này đủ điếng người: “Dù tôi có lên tiếng hay không, sự thật vẫn ở đó”. Chẳng biết là xăm xăm băng lối hay loạng quạng mà tóm gọn ngôn ngữ, cấu tứ, thủ pháp của người ta, lại bảo gặp nhau lần đầu trong đời. Nguyễn Quang Thiều nói: Hãy đưa tôi một ý tưởng thơ Nobel, tôi sẽ viết bài thơ xuất sắc!

Trên con đường sáng tạo, thấy cái gì hay hay có hương có nhụy lại tiện tay nhặt bỏ vào giỏ của mình đậy lại, đặng có ngày mang ra sơ chế, tinh chế, thì lấy gì làm tin đây. Mở thơ ra đọc (không chỉ một tập) chốc chốc lại phải ngả mũ chào người quen, người thì một hai câu đắt, người thì cấu tứ, thi pháp...

Khi cả nước đã tạm thở hắt ra dù còn dấm dứt việc xin lỗi hai lần vẫn không thành thật, thì cô ấy để bạn bè rải truyền đơn rằng “Nàng cho xem 3 bản in 3 lần viết 1996, 2001. Giấy và mực in rất cũ. Chỉ cần thẩm định khoa học là bản này in trước 2003 là ta có kỳ án văn chương”. Bản thân cô ấy cũng hẹn với sếp to của Hội to- Hội Nhà văn Việt Nam rằng sẽ đến ngày cô ấy lập lại trật tự, công bằng, ngày ấy không xa đâu!

Nghĩa là có gì mới đâu, xin lỗi hay không có khác nhau đâu. Phan Ngọc Thường Đoan hãy đợi đấy!

Hữu Thỉnh, quan chức cao cấp nhất giới văn nghệ, vụ này không dưng tai bay vạ gió. Số là có cô phóng viên trẻ định phỏng vấn ông thì lại lanh chanh xin nhầm số điện thoại nhà báo Phùng Huy Thịnh. Phùng Huy Thịnh lẽ ra thắc mắc “Sao phỏng vấn tôi” thì lại sốt sắng trả lời. Cuối cùng, người chưa bao giờ phát ngôn “Vụ đạo thơ, tôi xem như Phan Huyền Thư đã nghịch dại” trở thành mục tiêu ngắm bắn. Có người vu Phùng Huy Thịnh mạo nhận bởi, sao ngữ điệu của anh lại giống Chủ tịch Hội Nhà văn thế!

Chỉ một “lá thư xin lỗi cũng là đạo thư” do một tay giỏi chế hàng giả tung ra, mấy báo mạng lao theo bình luận, thủ phạm tha hồ rung đùi cười. Một bản viết tay nguệch ngoạc tên là Độc ẩm trước bình minh khai sinh 1996 cũng do tay này tạo tác, đánh lừa tiếp hàng loạt, kể cả người vốn cú cáo. Trò tương kế tựu kế này, đùa dai lập mưu lừa cả làng này sẽ không hoàn hảo thế nếu anh ta không vớ được cơ hội hiếm.

Hơn chục năm trước, báo Tiền Phong mở diễn đàn Người Việt phẩm chất và thói hư tật xấu. Bài gửi về như bươm bướm, mấy trăm bài in lên, qua đó nghiệm ra: Thói tật được mọi người hăm hở mổ xẻ nhất, chính là giả dối. Có nghĩa, đấy là căn bệnh trầm kha nhất, bị lên án nhất. Giờ đầy sự giả trá gian manh, nhưng số chán ghét nó mạnh không kém. Sự sục sôi trong vụ việc nho nhỏ vừa qua của thi đàn do vậy dễ hiểu. Không ai bị thành kiến cả, chỉ là người ta đã ngấy tận cổ thói giả trá, chỉ chờ vớ được ca điển hình là trút, xả không phanh được.

“Chưa thật ghét tật xấu, chưa thật yêu đạo đức”- câu này của ai đó, phải nói rõ ra thế kẻo mang tiếng đạo. Đối xử với chính-tà đều bao dung như nhau thì người ta nỗ lực công chính để làm gì? Và thêm một lần nhớ lập ngôn của Bùi Ngọc Tấn “Chúng ta đã quen nghe những lời nói dối để qua đó biết được sự thật” khi chứng kiến từ đầu đến cuối tấn trò đời- Hà Nội mùa thu hồi giải thưởng vừa qua.

Hà Nội, mùa rút giải ảnh 1
MỚI - NÓNG