Thay “áo” trụ sở?
Trong Hội nghị giao ban thành phố Hà Nội mới đây, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, cơ quan chuyên môn đang tổng hợp ý kiến đóng góp của các quận, huyện về phương án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Sở KH-ĐT, 483 trụ sở có thể áp dụng thiết kế mẫu khi đầu tư xây dựng. Trong đó có 75 trụ sở cần xây mới, 136 công trình phải cải tạo bổ sung quy mô hoặc xây mới một số hạng mục, 118 công trình đã được xây dựng, chỉ cần cải tạo, sửa chữa. Trong phương án kiến trúc được đưa ra lấy ý kiến, đơn vị tư vấn đề nghị các công trình cần thống nhất về hình khối ngôn ngữ kiến trúc, bố cục công trình, vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc.
Diện tích đất phù hợp để xây dựng trụ sở chính quyền cấp xã, theo các khu vực được đề xuất: đô thị trung tâm diện tích tối thiểu 300m2, mật độ xây dựng tối đa 70%, tầng cao tối đa là 6 (kể cả tầng trệt để xe nếu có) theo quy hoạch khu vực cho phép; diện tích tối đa nên khoảng 2.000m2. Đối với khu vực đô thị trung tâm mở rộng, các đô thị vệ tinh, thị trấn mật độ dân cư cao, ngưỡng diện tích đất phù hợp khoảng 880 đến 3.900m2, mật độ xây dựng khoảng 40%, tầng cao tối đa là 5. Khu vực các xã và thị trấn mật độ dân cư thấp, ngưỡng diện tích đất phù hợp khoảng 1.530 đến 4.100 m2, mật độ xây dựng khoảng 25-30%, cao không quá 3 tầng.
Được biết, Hà Nội hiện nay có 584 trụ sở (386 công trình ở xã, 177 ở phường và 21 ở thị trấn). Giai đoạn 2011-2015 các quận, huyện đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 290 trụ sở cấp xã, với tổng mức vốn bố trí trên 1.600 tỷ đồng. Hiện thành phố còn 7 xã, phường phải thuê trụ sở.
Có lãng phí?
Trao đổi với phóng viên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cho rằng, nếu đưa ra một thiết kế khuôn mẫu về trụ sở làm việc của các cơ quan xã, phường, thị trấn là tốt, tuy nhiên, không nên áp dụng chung cho tất cả các địa phương. Bởi lẽ, mỗi một địa bàn có những vị trí, điều kiện, diện tích, hoàn cảnh thực tế khác nhau nên áp dụng theo kiểu “đồng phục” chung sẽ không hợp lý.
Ông Liêm cho biết, chưa hiểu rõ ý đồ của phương án này sẽ làm thế nào, liệu có đập phá, sửa chữa, xây lại các trụ sở đã, đang sử dụng hay chỉ áp dụng với trụ sở xây dựng mới. “Tôi cho rằng, ở Hà Nội, các xã phường, thị trấn hầu hết đã có trụ sở sử dụng tốt rồi nên nếu tính phương án “đồng phục” để rồi phải đập phá hay sửa chữa hoặc xây mới lại sẽ tạo ra sự lãng phí rất lớn, không cần thiết trong lúc đất nước còn khó khăn”, ông Liêm nói.
Cùng quan điểm, một số chuyên gia về kiến trúc, quy hoạch cho rằng, các trụ sở xã, phường, thị trấn ở Hà Nội hiện hầu hết đã được xây dựng với quy mô, diện tích đủ dùng nên cứ để sử dụng, không cần phải đập phá, sửa chữa để cho thành “đồng phục”. Nếu đã có một trụ sở với diện tích thỏa mãn nhu cầu làm việc của các lãnh đạo, ban ngành địa phương thì không cần phải sửa chữa, đập phá cho tốn kém, lãng phí tiền bạc.
“Tôi cho rằng, ở Hà Nội, các xã phường, thị trấn hầu hết đã có trụ sở sử dụng tốt rồi nên nếu tính phương án “đồng phục” để rồi phải đập phá hay sửa chữa hoặc xây mới lại sẽ tạo ra sự lãng phí rất lớn, không cần thiết trong lúc đất nước còn khó khăn”.
Ông phạm Sỹ Liêm