Chiều 17/5, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, liên ngành Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã thông tin về Kết quả công tác An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố 5 tháng đầu năm 2016.
Liên quan đến thông tin xúc xích Viet foods nghi có chứa chất gây ung thư, ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công thương Hà Nội cho biết, sáng cùng ngày đã có hội nghị 5 cơ quan gồm Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm, Vụ pháp chế cùng với Quản lý thị trường, Viện kiểm sát thành phố, Thanh tra Sở Y tế về nội dung này.
Hiện vẫn còn nhiều thông tin trái ngược nhau liên quan đến sản phầm xúc xích của Viet foods. Ảnh: Internet
“Chúng tôi vừa họp xong trưa hôm nay liên quan đến xúc xích của Viet foods. Đến giờ phút này, khẳng định được 2 việc: 1 là quy trình kiểm tra, kiểm soát của Đội quản lý thị trường số 14 về lĩnh vực này là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Thứ hai, hiện nay hàng hóa đó vẫn đang được bảo quản, tạm giữ tại hai cửa hàng kinh doanh các sản phẩm này, chờ kết quả cuối cùng.
Chúng tôi cũng có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị tham vấn cho vấn đề xử lý, đặc biệt là danh mục chất bảo quản 251 (sodium nitrade - PV) cũng như các chất khác liên quan đến sản phẩm trực tiếp của Viet foods để làm cơ sở xử lý”, ông Lộc nói.
Trao đổi thêm về có thể khẳng định các chất có trong xúc xích Viet foods có thể gây ung thư hay không, ông Lộc cho biết: “Hiện trên thông tin đại chúng có rất nhiều thông tin. Chúng tôi đặc biệt trân trọng thông tin của các nhà khoa học. Thời buổi công nghệ thông tin, tra trên mạng đều thấy, ví dụ như trên Youtube rất nhiều nhà khoa học đã nói đây là cảnh báo, khi mà nitrate (một chất tìm thấy trong xúc xích của Viet foods – PV) bị sinh nhiệt dễ chuyển đổi, những cái đó nó là tiền chất gây nguy cơ. Chúng ta phải tôn trọng ý kiến của các nhà khoa học”, ông Lộc nói.
Hà Nội xử phạt, Bộ Y tế và Bình Dương nói không sai
Trước đó, ngày 21/4, khi thực hiện kiểm tra tại Công ty TNHH thương mại Hồng Anh (Hoàng Mai, Hà Nội), Đội Quản lý thị trường 14 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tạm giữ khoảng 2,2 tấn xúc xích do Công ty Viet foods sản xuất với nghi vấn chứa chất cấm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy những mẫu xúc xích này chứa chất sodium nitrate-251 với hàm lượng từ 55mg/kg đến 100mg/kg. Từ kết quả này, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội lập văn bản xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở Vietfoods.
Tuy nhiên, ngày 25/4, sau khi thanh tra cơ sở Viet foods, đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Bình Dương (gồm Sở NN&PTNT, Chi cục QLTT, Chi cục ATVSTP...) đưa ra kết luận cơ sở này không có vi phạm. Kết luận nêu rõ, Viet foods sản xuất có đầy đủ hồ sơ pháp lý và hồ sơ đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chế biến thực phẩm theo đúng quy định hiện hành.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng khẳng định chất sodium nitrade (251) nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và Công ty Viet foods không sai, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng về vụ việc.
Lấy mẫu C2, Rồng đỏ trên toàn quốc để xét nghiệm
Liên quan đến thông tin nước C2, Rồng đỏ bị nhiễm chì, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở y tế Hà Nội cho biết, ngày 9/5, Chi cục An toàn thực phẩm của Hà Nội đã tiến hành mua 5 mẫu nước giải khát C2, 5 mẫu nước giải khát Rồng đỏ ngoài thị trường trên địa bàn 5 quận và 1 huyện gửi đi kiểm nghiệm.
“Cơ quan kiểm nghiệm là Viện Dinh dưỡng quốc gia. Chỉ tiêu kiểm nghiệm là hàm lượng chì. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 10/10 mẫu có kết quả hàm lượng chì nằm trong giới hạn cho phép căn cứ theo quy chuẩn 62010/BT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống không cồn”, ông Hạnh nói.
Cũng theo ông Hạnh, đây là kết quả kiểm nghiệm sản phẩm mua ngẫu nhiên trên thị trường và làm với từng đó mẫu. “Chưa dám khẳng định tất cả như thế nào vì nếu làm tất cả phải có quy trình, quy định của nó”, ông Hạnh nói.
Trước đó, cộng đồng mạng lan truyền thông tin 2 sản phẩm C2 và Rồng đỏ nhiễm độc chì vượt quá mức cho phép. Cụ thể C2 có hàm lượng chì 0,087mg/l, Rồng đỏ có hàm lượng chì 0,085mg/l so, trong khi tiêu chuẩn cho phép chỉ là 0,05mg/l. Nguyên nhân được cho là do URC sử dụng acid citric kém chất lượng, bị nhiễm độc chì nặng từ nhà cung cấp.
Sau khi có nghi vấn C2 và Rồng đỏ nhiễm chì vượt ngưỡng cho phép, mới đây đại diện URC Việt Nam cũng đã lên tiếng khẳng định, đây là thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Vị này cho biết, định kỳ 6 tháng, công ty vẫn gửi mẫu lên Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để kiểm tra và tất cả hàm lượng đều ở mức cho phép.
Sau đó, trước những ý hoài nghi của dư luận về kết quả xét nghiệm các mẫu nước giải khát C2, Rồng đỏ của công ty URC, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục lấy mẫu nước giải khát C2, Rồng đỏ trên toàn quốc để xét nghiệm.