Mùa ly bội thu
Dịp trước Tết Giáp Ngọ, xe máy, xe thồ, xe ô tô của các cửa hàng bán lẻ, bán buôn nối hàng dài trước những khu ruộng trồng hoa ly. Giá bán buôn tại ruộng dao động từ 25 đến 30 ngàn đồng/cành.
Sát Tết, giá hoa ly bán lẻ tại các chợ nội thành nhiều khi bị đẩy lên tới 40-60 ngàn đồng/cành, thậm chí tới 80-100 ngàn đồng. Tại nhiều cửa hàng hoa lớn trên phố trung tâm Hà Nội, ngày 30 Tết gần như “cháy” hoa ly. Do bền màu, dáng đẹp, bắt mắt, dễ bài trí, nên hoa ly được nhiều người dân ưa chuộng.
Anh Bùi Văn Lâm (31 tuổi, ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng), cho biết anh đang thuê 4 mẫu đất của nhiều hộ gia đình trong xã để trồng hoa ly. So với trồng lúa hoặc rau màu, trồng hoa ly mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần.
Từ đất trồng lúa ban đầu, anh Lâm đầu tư cải thiện lại mặt ruộng, chất đất và hạ tầng phù hợp với trồng hoa ly. Theo anh Lâm, với 4 mẫu ruộng hoa ly anh phải đầu tư hết gần 2 tỷ đồng/năm cho chi phí thuê đất, cây giống, thuê người làm đất, chăm sóc, phân bón. Trung bình, lợi nhuận đạt từ 400 đến 500 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, có năm thuận lợi về thời tiết và thị trường nên cho thu nhập tiền tỷ. Ngoài bán buôn tại ruộng, nhiều hộ dân phân phối trực tiếp tại một số cửa hàng, chợ nội đô. Giá bán buôn hoa ly “5 tai” giá 25 ngàn đồng/cành.
“Chi phí cho một lọ hoa ly chừng hơn một trăm ngàn đồng mà có thể bày được tới nửa tháng”-một người trồng hoa ly nói. Theo anh Lâm, tại xã Song Phượng, có khá nhiều hộ trồng hoa ly. Ước tính có khoảng 20 hộ dân tại các xã như Song Phượng, Đan Phượng tham gia mô hình này.
Theo nhiều hộ dân trồng hoa ly, mô hình mới này phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, nhiều phen “đánh bạc với ông giời”. Giống tốt nhiều khi khá đắt đỏ, lên đến 20 ngàn đồng/củ. Nếu tỷ lệ phát triển đạt khoảng 92-93% trên tổng số củ giống là thành công.
Rét quá cũng chết mà nắng quá cũng hỏng. “Mấy hôm trước Tết, ban đêm nhiệt độ xuống khoảng 6-7 độ C là rất lo. Nhiệt độ lý tưởng là từ 18-25 độ C”, anh Hải, một người trồng hoa ly tại xã Song Phượng nói.
Người nơi khác đổ về
Con đường đến với nghề trồng hoa ly của anh Lâm, anh Hải cũng như nhiều người trồng hoa tại Đan Phượng không dễ dàng. Trước đó, anh Lâm trải qua nhiều nghề khá vất vả, nay đây mai đó. Yêu nghề nông, yêu hoa và quyết tâm tự cứu mình, hai anh đã đi nhiều nơi học hỏi các mô hình làm kinh tế nông nghiệp, trong đó có trồng hoa ly.
“Đã trồng hoa thì phải chân lấm tay bùn, phải yêu hoa thì mới thành công được”, anh Hải nói. Ruộng hoa của anh Lâm còn giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên khác.
Ngoài việc tự giúp mình, anh Lâm và cộng sự nhiều lần chia sẻ, giúp đỡ những người có mong muốn làm giàu từ hoa ly. Do thu nhập từ làm ruộng lúa thấp, nên nhiều gia đình đang tìm kiếm những mô hình nuôi trồng mới.
Trong số những hộ dân trồng hoa ly tại Đan Phượng theo mô hình sản xuất hàng hóa có nhiều người từ nơi khác về thuê đất trồng hoa. Anh Bùi Tuấn Hải, một thanh niên trồng hoa ly tại xã Song Phượng, nói rằng kiếm được thu nhập trên chính đồng đất quê hương mình là điều mong mỏi nhất.
Nhưng với nhiều người thì vốn đầu tư đang là bài toán khó. Anh Lâm cho biết, ngoài mô hình của anh và một người em, còn lại hàng chục khu ruộng tập trung trồng hoa ly ở xã Song Phượng là người từ các vùng chuyên canh hoa như Đăm, Mê Linh... đến thuê đất của người địa phương để trồng hoa.
Thuê ruộng cả năm, nhưng thực tế anh Lâm chỉ làm khoảng 7 tháng, rồi sau đó lại để đất nghỉ, chuyển sang trồng rau ăn, phục vụ chăn nuôi. Điều mà anh Lâm, anh Hải và nhiều người trồng hoa ly tại Đan Phượng đang trăn trở là làm sao nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ thiết thực từ chính quyền.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, cho biết, mô hình trồng hoa ly đã phát triển trên địa bàn huyện được 3 năm, tập trung tại 5 xã. Tổng diện tích trồng hoa ly trên địa bàn đã đạt hơn 100 ha, mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng lúa, giúp người dân tăng thu nhập. Huyện và xã đã tập trung giúp người dân ở khâu làm hạ tầng, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xử lý dịch bệnh... Ông Hoàng cho hay, nhiều người dân từ các địa phương khác đến Đan Phượng tham gia trồng hoa ly đã mang lại nhiều kinh nghiệm cho người dân địa phương và góp phần tạo nên thành công cho mô hình này.