Thu hồi nhiều dự án chậm
Trong năm 2022, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tạo cơ sở thuận lợi cho các đơn vị triển khai các bước rà soát, đề xuất phương án xử lý. Cụ thể, Thành uỷ Hà Nội có Kết luận 51-KL/TU ngày 07/4/2022 và Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 07/4/2022 về hội nghị chuyên đề Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khoá XVII chỉ đạo biện pháp đẩy nhanh tiến độ, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn; HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022; Tháng 6/2022, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch 160/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố. Trong đó, chỉ đạo phân loại các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, dự án có vi phạm theo nhóm; phân công rõ các nội dung, giao nhiệm vụ, trách nhiệm, tiến độ hoàn thành cho các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trong việc thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai…
Trong thời gian qua, Sở TN&MT Hà Nội đã đề xuất một số giải pháp đôn đốc các doanh nghiệp đưa đất vào sử dụng, đồng thời kiến nghị thu hồi nhiều dự án chậm triển khai. Ảnh: Phan Thiên |
Đối với 135 Dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, xử lý): 11 Dự án đang triển khai theo tiến độ đã được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh; 59 Dự án, chấm dứt hoạt động dự án, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch theo quy định; 03 Dự án, Tòa án nhân dân, cơ quan điều tra, thanh tra đang thụ lý, xử lý theo quy định…
Đối với 404 dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: Có 109 dự án với tổng diện tích 326 ha đất, sau thanh kiểm tra chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các tồn tại đề nghị đưa ra khỏi danh sách dự án chậm; 44 dự án với tổng diện tích 2607 ha đất, kiến nghị trình Thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án; 85 dự án với tổng diện tích 132 ha đất gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng với tổng số tiền gần 500 tỷ đồng;…
Với 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý: Liên ngành thành phố phân loại thành 7 nhóm và UBND Thành phố tiếp tục phân công các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung xử lý theo quy định. Trong số này có 53 dự án đã có quyết định chủ trương đến nay quá tiến độ thực hiện dự án nhưng chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất (giao Sở KH&ĐT chủ trì thực hiện); 120 dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm triển khai (giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện). Theo thực tế rà soát, việc chậm triển khai các dự án có một số nguyên nhân khách quan, chủ quan và từ chính nhà đầu tư.
Về khách quan, sau khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, một số dự án không phù hợp quy hoạch phải tạm dừng để khớp nối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chung; Dự án đầu tư của nhà đầu tư phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều văn bản pháp luật như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Phòng cháy chữa cháy; Một số dự án gặp khó khăn trong GPMB do chính sách thay đổi qua nhiều thời kỳ; Cùng với đó, dịch COVID-19 kéo dài có tác động sâu rộng đến việc triển khai các dự án.
Về nguyên nhân chủ quan, công tác giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất còn chậm; Việc phối hợp giữa các sở, ngành, UBND cấp huyện đã được tăng cường song chỉ mang tính thời điểm, chưa thường xuyên; Chưa quy định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, từng cấp trong việc phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành của nhà đầu tư; Việc hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết để phù hợp với quy hoạch phân khu của một số dự án còn chậm, trả lời chưa rõ; Công tác chỉ đạo thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại một số dự án cũ chưa được UBND cấp huyện quan tâm đúng mức… Đối với các chủ đầu tư, việc phối hợp với nhà đầu tư thực hiện GPMB tại địa phương còn chưa đạt yêu cầu; Một số chủ đầu tư cố ý chây ỳ không làm thủ tục, chậm phối hợp GPMB đưa đất vào sử dụng; Có trường hợp đối tượng không có khả năng nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định...
Tiếp tục tập trung xử lý dự án chậm trong năm 2023
Trong năm 2023, Sở TN&MT Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện rà soát tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kiến nghị xử lý các dự án chậm triển khai theo quy định. Ảnh: Phan Thiên |
Ngày 06/12/2022, Thành ủy Hà Nội có Thông báo số 993-TB/TU về kết luận của Ban Thường vụ Thành uỷ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND Thành phố về đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai. Trong đó xác định: “Đây là việc lớn, phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều tổ chức, cá nhân. Trong quá trình triển khai còn phát sinh những khó khăn, vướng mắc. Kể từ khi Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND Thành phố được ban hành thì việc xử lý các dự án chậm triển khai đã có những chuyển biến theo hướng tích cực. Thường trực Thành uỷ ghi nhận những nỗ lực của UBND Thành phố, các sở, ngành và địa phương trong việc thống kê, rà soát, xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Thành ủy, HĐND-UBND Thành phố xác định, công tác kiểm tra, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, có vi phạm là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục hàng năm của các cấp, các ngành Thành phố; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cần phải tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả từ Thành phố đến cơ sở; được giám sát và xử lý từ khâu ban đầu lập quy hoạch (Sở Quy hoạch Kiến trúc), chủ trương đầu tư (Sở KH&ĐT), giải phóng mặt bằng (theo Luật Đất đai 2003 thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện), hoàn thiện thủ tục đất đai (Sở TN&MT), thực hiện nghĩa vụ tài chính (Cục thuế Thành phố) đến khâu cuối cùng là triển khai đầu tư xây dựng công trình và nghiệm thu công trình (Sở Xây dựng và UBND cấp huyện);…
Với số lượng dự án lớn, trải qua giai đoạn chuyển tiếp, chính sách, quy định của pháp luật có nhiều thay đổi qua các thời kỳ; quá trình triển khai dự án có nhiều diễn biến mức độ khác nhau; các thủ tục liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành và chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật… Do đó, cần có thời gian để các cấp, các ngành Thành phố rà soát, kiểm tra, thanh tra, xin ý kiến tham vấn các cơ quan chuyên ngành cấp trên đối với các trường hợp pháp luật chưa có quy định cụ thể và kết luận đối với từng dự án để tiếp tục xem xét xử lý từng bước, dứt điểm các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội đảm bảo tính chính xác, đầy đủ hồ sơ pháp lý, tính khả thi và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Trong quá trình kiểm tra, xử lý các dự án tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm đưa dự án vào hoạt động; Phát hiện bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, cá nhân.
Quyết liệt xử lý các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó, xử lý nghiêm, triệt để đối với các dự án chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất đến nay đã quá tiến độ thực hiện dự án; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để hợp thức hoá việc gia hạn tiến độ thực hiện các dự án chậm triển khai; kiên quyết xử lý, lập hồ sơ chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các dự án chậm triển khai đã thanh tra, kiểm tra kết luận, UBND Thành phố đã chỉ đạo xử lý, khắc phục nhưng chủ đầu tư không khắc phục, chưa đưa đất vào sử dụng theo dự án đầu tư được duyệt hoặc các tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng chây ì, không chấp hành quyết định xử lý…