Hà Nội: Không thể chấp nhận cứ mưa là ngập

 Công nhân cấp thoát nước Hà Nội đứng túc trực tại điểm ngập trên đường Lê Trọng Tấn. ảnh: Như Ý
Công nhân cấp thoát nước Hà Nội đứng túc trực tại điểm ngập trên đường Lê Trọng Tấn. ảnh: Như Ý
TP - Ngày 8/5, tại cuộc họp bàn về công tác thoát nước, chống ngập úng trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chỉ ra nhiều bất cập trong phương án ứng phó khi có mưa bão, úng ngập của Hà Nội hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cũng yêu cầu các đơn vị đưa ra các biện pháp xử lý triệt để tình trạng cứ mưa là ngập.

Đẹp hình ảnh lao động, xấu hình ảnh quản lý

Thay vì nghe các đơn vị đọc báo cáo, ông Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu Sở Xây dựng cùng Cty Thoát nước Hà Nội “mổ xẻ” hiện trạng hệ thống thoát nước từng khu vực hiện nay. “Báo cáo về công tác thoát nước mùa mưa của các đơn vị đẹp, nhưng thực tế không phải như vậy. Bởi chỉ mới cơn mưa đầu mùa ngày 27/4 vừa qua, một màn chào hỏi mà đã làm ngập khắp thành phố. Tôi yêu cầu phải làm rõ có bao nhiêu điểm ngập? Lý do và biện pháp xử lý các điểm ngập này”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Hùng cho rằng, hình ảnh các công nhân thoát nước mặc áo màu vàng đứng giữa trời mưa để kênh nắp cống cho nước thoát nhanh là hình ảnh đẹp về lao động, nhưng lại là hình ảnh rất xấu về quản lý đô thị.

“Mùa mưa của Hà Nội dài chỉ trong vòng vài tháng, chứ không phải mưa quanh năm suốt tháng. Nhưng điệp khúc cứ mưa là ngập, năm nào cũng ngập vì lý do này lý do kia thì không thể chấp nhận được. Về quản lý nhà nước sau bao nhiêu năm thì phải khác đi, số điểm ngập úng phải ít dần, chứ mưa xuống mà công nhân vẫn phải đi kênh nắp cống là hình ảnh không đẹp đối với quản lý đô thị hiện đại”, ông Hùng nói.

Đề cập con số điểm ngập úng, lãnh đạo thành phố cho rằng, đang có sự thống kê khác nhau, thậm chí vênh nhau. Phía Cty Thoát nước Hà Nội đưa ra khoảng 12 điểm ngập đối với các trận mưa có lưu lượng 100mm trở lên, nhưng phía Thanh tra GTVT và CSGT lại thống kê được 32 điểm ngập. Theo lãnh đạo thành phố, con số của Thanh tra GTVT và CSGT đưa ra là chính xác, bởi vì sau mưa, lực lượng này thường phải ra đường để phân luồng, điều tiết giao thông ở các điểm ngập úng.

Lãnh đạo thành phố phê bình Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn quản lý hệ thống thoát nước thành phố nhưng nhiều khu vực vẫn chưa sâu sát, chưa nắm rõ. Thậm chí, ở một số khu vực như Hà Đông, Long Biên, dù là các quận nội thành, nhưng các đơn vị quản lý không nắm được mà khoán trắng về vấn đề thoát nước. Ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thừa nhận chưa sâu sát trong quản lý hệ thống thoát nước ở một số khu vực, mà chủ yếu tập trung ở các quận nội đô.

Quy rõ trách nhiệm để xảy ra ngập

Về phương án ứng phó tình trạng úng ngập trong mùa mưa bão năm 2014, ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội, khẳng định, một số hạng mục cống thoát nước mới được hoàn thành, nên trong 32 điểm ngập, năm nay có thể giảm được 10 điểm úng ngập cục bộ mỗi khi có mưa lớn.

Các “điểm đen” như khu vực đường Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn, Trương Định, Nguyễn Lương Bằng, Tông Đản, Lê Lai hay trọng điểm như Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ… năm nay có thể không còn ngập.

“Trong năm nay giảm được 10 điểm, nhưng còn hơn 20 điểm nữa khi mưa với lưu lượng trên 100mm khả năng hết ngập là rất khó, nên giải pháp đưa ra là khi mưa vẫn phải cho công nhân ra đứng để kênh nắp cống, thông dòng chảy”, ông Lê phân trần.

Theo Sở Tài chính Hà Nội, năm nay, Hà Nội đặt hàng cho đơn vị thoát nước là 600 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn, vì thế lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra ngay khối lượng đặt hàng này. Trong đó, phải dùng kinh phí đặt hàng này để tập trung cho các công trình phục vụ mùa mưa, tạm dừng các công trình chưa cần thiết.

Sau khi “mổ xẻ” nguyên nhân các điểm ngập úng còn tồn tại ông Hùng đưa ra các giải pháp xử lý cho từng khu vực. Cụ thể, đối với việc chống úng ngập khu vực các quận nội thành nằm trong lưu vực tả sông Tô Lịch, lãnh đạo thành phố yêu cầu phải đảm bảo chống úng ngập một cách tốt nhất để khi mưa với cường độ 100 mm trong 3 giờ thì mức độ úng ngập thấp nhất.

“Trong khoảng 20 điểm úng ngập còn lại ở khu vực nội thành, yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung duy tu thường xuyên, hằng ngày túc trực kể cả lúc khi không có mưa. Phối hợp với các địa phương và Thanh tra giao thông xử lý tất cả những vi phạm gây ảnh hưởng việc tiêu thoát. Tăng cường các hố ga gom nước, các máy bơm tăng áp để đẩy nhanh dòng chảy. Việc này phải được giải quyết ngay trong tháng 5”, lãnh đạo thành phố yêu cầu.

“Để xảy ra úng ngập là trách nhiệm của Sở Xây dựng, cơ quan quản lý về hệ thống thoát nước và Cty Thoát nước, đơn vị vận hành. Hằng năm, thành phố cung ứng kinh phí đầy đủ nên nếu mà để xảy ra úng ngập chỉ vì những lý do chủ quan như do tắc cống hay do lá rơi thì thành phố không thể chấp nhận được”, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.