Hà Nội khảo sát toàn bộ học sinh lớp 12: Thi thử như thật

Thi THPT QG 2016 tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Thi THPT QG 2016 tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Vào ngày 20, 21, 22 tháng 3 tới, Hà Nội sẽ tiến hành khảo sát toàn bộ học sinh lớp 12 các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. 

Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng,  đây là đợt khảo sát để tập dượt kỹ năng, đặc biệt chuẩn bị tâm lý thi cho  học sinh trong kỳ thi THPT quốc gia với nhiều đổi mới sắp tới. Đồng thời, là  kênh thông tin để các trường điều chỉnh, hỗ trợ cho học sinh.

Vừa gấp rút hoàn thành chương trình vừa ôn tập

Ông Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho biết  thực hiện theo tinh thần của Sở GD&ĐT và kế hoạch của nhà trường, vừa tiếp tục dạy học sinh theo đúng chương trình vừa ôn tập kiến thức đã học, rèn luyện kỹ năng làm bài thi cho học sinh. “Giáo viên hướng dẫn học sinh những kỹ thuật thao tác  làm bài trắc nghiệm khách quan (TNKQ) làm sao để đạt hiệu quả tối đa nhất. Học sinh phải học kỹ, nắm chắc kiến thức, không được học lệch học tủ, có kỹ năng phân tích, phán đoán và ra quyết định phù hợp đối với  những kết quả mà mình còn đang băn khoăn” - ông Bình cho hay. Ông Nguyễn Quốc Bình khẳng định việc kiểm tra rà soát là một hoạt động bình thường. Đó chỉ  là một dịp để học sinh củng cố kiến thức và nâng cao kỹ thuật làm bài, từ đó nhà trường biết được điểm yếu của học sinh để bồi dưỡng thêm giúp các em có kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Ông Bình cũng cho hay, so với 2 kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, kỳ thi năm nay, thí sinh phải thi nhiều môn hơn (6 môn bắt buộc vì bài thi tổ hợp gồm 3 môn độc lập). “Với giáo viên không khó khăn vì hai năm qua, học sinh cũng lựa chọn thêm các môn để lấy kết quả xét tuyển đại học. Với học sinh, số lượng môn tăng lên các em cần cố gắng hơn, phương pháp  thi có thay đổi nên các em cũng phải đầu tư, quan tâm hơn tới việc học  để làm bài TNKQ tốt” - ông Bình nói. Ông Bình cũng khẳng định, đối với học sinh trường THPT Việt Đức, để đỗ tốt nghiệp không có gì khó khăn mà là kết quả xét tuyển đại học vào các trường có uy tín. “Do đó, chúng tôi thường xuyên cùng đội ngũ giáo viên tổ chức ôn tập cho học sinh, giúp các em nắm vững kiến thức để có thể làm bài thi TNKQ có kết quả cao” - ông Bình khẳng định.

Một kênh tham khảo cho nhà trường và phụ huynh

Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong, ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, vừa qua, Sở đã tổ chức tập huấn cho hiệu trưởng, hiệu phó phụ trách chuyên môn về công tác tổ chức thi. Sau đó, yêu cầu các nhà trường tập huấn đến cán bộ giáo viên để nắm vững kỹ năng coi thi.

“Đợt khảo sát sắp tới là để tập dượt kỹ năng chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia, đặc biệt là  chuẩn bị tâm lý thi cho học sinh. Đây cũng là kênh thông tin giúp chúng tôi nắm bắt  chất lượng chung của ngành giúp  các trường điều chỉnh, bổ sung hỗ trợ cho học sinh. Qua đó, cha mẹ học sinh cũng nắm được tình hình để có hướng giúp đỡ thêm, quản lý tốt hơn việc học của con em mình”- ông Dũng nói.

Ông Chử Xuân Dũng cho biết, đợt khảo sát tới, Hà Nội sẽ chia thành 16 cụm thi gồm các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn quận, huyện, thị xã. Trong đó,  cụm trường sẽ phân công thống nhất thành lập các hội đồng nhỏ, phân  công giáo viên coi thi, chấm thi, tổ chức thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định. Việc tổ chức coi, chấm khảo sát đảm bảo nghiêm túc, theo đúng quy chế kỳ thi THPT quốc gia. Lãnh đạo thanh tra tại các hội đồng thi là  giáo viên, cán bộ quản lý của trường bạn. Sau khi có kết quả các cụm thi gửi về, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức chấm thẩm định xem các trường chấm như thế nào.

“Kết quả khảo sát sẽ có  phân tích đánh giá số liệu gửi về các nhà trường. Từ đó, so sánh các trường trong cụm, so sánh các lớp với nhau trong trường để thêm kênh thông tin giúp các nhà trường, cha mẹ học sinh, đặc biệt các thầy cô giáo giảng dạy thấy được chất lượng đào tạo của mình” - ông Dũng cho hay.

Ông Dũng cũng khẳng định không bắt buộc phải lấy điểm kiểm tra khảo sát (tùy theo điều kiện của từng trường, trung tâm có thể sử dụng kết quả khảo sát làm điểm kiểm tra thường xuyên; tuyệt đối không được lấy vào điểm kiểm tra định kỳ theo qui định). Về kế hoạch ôn tập của Hà Nội, theo ông Dũng, Sở yêu cầu cán bộ, giáo viên các nhà trường do năm nay phương thức thi có thay đổi nên phương pháp dạy phải đổi mới trong quá trình tổ chức hoạt động học. “Tuy nhiên, không phải vì vậy mà yêu cầu giáo viên  chuyển đổi hoàn toàn  sang hình thức thi mới. Sở vẫn yêu cầu kết hợp giữa tự luận và TNKQ trong quá trình kiểm tra, đánh giá học sinh trên lớp, đảm bảo kiến thức, năng lực của học sinh được bộc lộ. Qua đó giáo viên có thông  tin tốt nhất để hỗ trợ học sinh trong việc học và giảng dạy” - ông Chử Xuân Dũng khẳng định.

Đợt khảo sát tới, Hà Nội sẽ chia thành 16 cụm thi. Trong đó,  cụm trường sẽ phân công thống nhất thành lập các hội đồng nhỏ, phân công giáo viên coi thi, chấm thi, tổ chức thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định. Việc tổ chức coi, chấm khảo sát đảm bảo nghiêm túc, theo đúng quy chế kỳ thi THPT quốc gia.

MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.