Hà Nội: Ì ạch đầu tư bãi xe ngầm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Để tăng diện tích đỗ xe tại các khu vực nội đô, giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội có kế hoạch xây dựng 11 bãi xe ngầm, trong đó 7 dự án đã có chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế và sự hướng dẫn, nên đến nay tất cả các bãi xe này đang chết yểu.
Hà Nội: Ì ạch đầu tư bãi xe ngầm ảnh 1
Hơn 80% ô tô Hà Nội đang phải tự tìm chỗ đỗ. Ảnh: Anh Trọng

Thành bãi xe lậu

Theo quy hoạch, từ 2016 đến 2020, Hà Nội sẽ xây dựng 75 dự án bãi đỗ xe mới, với tổng kinh phí đầu tư trên 14.200 tỷ đồng. Với bãi xe ngầm, ngoài 7 dự án đã được phê duyệt, chấp thuận đầu tư, thành phố sẽ xây dựng thêm 4 dự án mới, nâng tổng số bãi xe ngầm giai đoạn 2016 - 2020 lên 11.

Tuy nhiên đến nay, thời điểm năm 2020 đã qua được 4 năm, chưa có một bãi xe ngầm nào được xây dựng tại Hà Nội.

Khảo sát tại vị trí 7 dự án bãi xe ngầm Hà Nội đã có phê duyệt dự án hoặc chủ trương 10 năm trước, PV Tiền Phong ghi nhận, hầu hết vẫn là bãi đất trống, cỏ cây mọc um tùm, thậm chí có dự án đã được nhà đầu tư san lấp mặt bằng nhưng nay lại bị biến thành bãi xe lậu.

Cụ thể, được chuyển đổi từ dự án khách sạn cao tầng sang bãi đỗ xe ngầm từ năm 2009, tuy nhiên sau hơn 10 năm triển khai, khu đất rộng hơn 10.000m2 trong Công viên Thống Nhất tại số 295 Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng) vẫn là bãi đất trống. Hiện toàn bộ khu đất được quây rào tôn xung quanh, bên trong là các điểm trông ô tô tự phát.

Tại khu đất rộng, cỏ và cây dại mọc um tùm, với phần diện tích giáp đường Lê Duẩn đang được một số cá nhân làm điểm trông xe tự phát. Do không được cấp phép nên điểm trông xe này đang “chặt chém” người gửi xe.

Tại một số vị trí mặt bằng được quy hoạch để xây dựng dự án bãi xe ngầm như trong Khu thể thao Quần Ngựa, trong Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô, tại quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, tại quảng trường Ngân hàng Nhà nước (quận Hoàn Kiếm), tại Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng)... hiện cũng là bãi đất trống, cây xanh, cỏ mọc um tùm.

Cần cơ chế thoáng

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, khi Hà Nội đưa ra chủ trương xây dựng 7 dự án bãi đỗ xe ngầm, đều nhận được sự quan tâm, muốn tham gia của nhiều nhà đầu tư. Trong đó, với dự án bãi đỗ xe ngầm tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô và trong Công viên Thủ Lệ, năm 2017 có 2 nhà đầu tư là Tập đoàn Vincom và Tập đoàn Him Lam quan tâm, muốn đầu tư; dự án đỗ xe ngầm tại số 295 Lê Duẩn (Công viên Thống Nhất) là Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội); dự án bãi xe ngầm trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước, số 49 Lý Thái Tổ là Công ty TNHH Thương mại Tràng An …

Tuy nhiên, do chưa có cơ chế rõ ràng và vướng mắc thủ tục sử dụng mặt bằng (không gian ngầm) nên các nhà đầu tư sau khi tìm hiểu, chỉ dừng ở mức quan tâm.

Với Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, do dự án đã được thành phố có quyết định chuyển đổi từ dự án xây dựng nhà cao tầng sang bãi xe ngầm và được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi nên đã bắt tay thực hiện dự án.

Theo thiết kế đã được Cty Khai thác điểm đỗ xe thuê đơn vị tư vấn lập, toàn bộ khu đất tại số 295 Lê Duẩn sẽ xây dựng thành 3 tầng ngầm phục vụ đỗ ô tô, mỗi tầng có diện tích hơn 5.600m2, công suất ba tầng đỗ được 390 ô tô. Với phần mặt đất, sẽ xây một nhà điều hành kèm công trình phụ trợ, gồm sân, đường giao thông, cây xanh… Tổng mức đầu tư dự án được dự toán hơn 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với lý do cơ chế để hoàn vốn và trả lãi ngân hàng sau khi được làm rõ chỉ phụ thuộc vào việc thu phí trông giữ xe, “đơn vị trên không dám mạo hiểm vay tiền ngân hàng để thực hiện tiếp dự án”, đại diện Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội nói.

Đại diện một số nhà đầu tư khác cũng cho biết, với tổng mức đầu tư với bãi đỗ xe tại 295 Lê Duẩn khoảng 100 tỷ đồng, bãi đỗ xe ngầm tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô khoảng 1.000 tỷ đồng, nếu thu hồi vốn chỉ qua mức giá trông giữ xe thì phải mất 100 năm.

“Hầu hết nguồn vốn đầu tư doanh nghiệp đi vay ngân hàng, với vòng đầu tư vốn và thời gian thu hồi kéo dài như vậy là quá rủi ro. Mặt khác, không có ngân hàng nào dám cho vay và đồng hành trong thời gian thu hồi vốn, lãi dài đến 100 năm như vậy”, đại diện một nhà đầu tư nói.

TS Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị (Bộ Xây dựng), cho rằng, đầu tư bãi xe ngầm chiếm nguồn vốn lớn, gấp nhiều lần bãi xe nổi nên để phát triển được cần phải huy động hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, cơ chế khai thác, sử dụng và thu hồi vốn quy định chỉ qua thu phí trông xe thì rất khó kêu gọi, tìm kiếm được nhà đầu tư.

Theo ông Quảng, để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho bãi đỗ xe, thành phố nên có cơ chế riêng về mức phí trông giữ xe trong các bãi xe được đầu tư hạ tầng, công nghệ tiên tiến, hiện đại, an toàn. Cùng với đó, để giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư nhanh chóng thu hồi vốn, có phương án sử dụng mặt bằng đầu tư hiệu quả hơn, nên cho phép họ được sở hữu từ 30 - 40% tổng số mặt bằng bãi đỗ xe làm các dịch vụ thương mại hoặc dịch vụ hỗ trợ vận tải.

“Có như thế thì việc đầu tư bãi xe ngầm nói riêng và các bãi xe nổi, cao tầng tại Hà Nội và các đô thị lớn nói chung mới mong nhận được sự tham gia, đồng hành của các nguồn vốn trong xã hội, trong đó có doanh nghiệp”, ông Quảng nhận định.

Hà Nội: Ì ạch đầu tư bãi xe ngầm ảnh 2
Do thiếu chỗ đỗ, ô tô đỗ tràn cả vỉa hè, lòng đường tại Hà Nội

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, để tháo gỡ khó khăn về đầu tư và cơ chế hoạt động các bãi xe ngầm, thành phố đã có Nghị quyết 07 được HĐND thành phố thông qua năm 2019, trong đó có nội dung về tháo gỡ, khuyến khích đầu tư xây dựng bến xe, bãi đỗ xe ngầm. Nghị quyết nêu rõ, với bãi đỗ xe cao tầng có ứng dụng công nghệ thông minh, bãi đỗ xe ngầm, ngân sách thành phố hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đầu; hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu thiết bị, dây chuyền, máy móc, công nghệ…

“Đặc biệt, Nghị quyết cho phép các dự án bãi đỗ xe ngầm được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn xây dựng thuộc khu vực ngầm của dự án để đầu tư khai thác dịch vụ thương mại, dịch vụ khác hỗ trợ cho bãi đỗ xe ngầm”, đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin.

Theo quy hoạch về giao thông tĩnh, thành phố sẽ có 1.620 bãi, điểm đỗ xe, trong đó có 73 bãi ngầm, 96 điểm đỗ xe cao tầng, nhưng hiện chưa phát triển, đầu tư được điểm giao thông tĩnh ngầm nào.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nói rằng, nguyên nhân là do sự phức tạp về cơ chế, chính sách liên quan Luật Đất đai trong đó có việc giao đất không gian ngầm. Ông cho biết, UBND thành phố sẽ nghiên cứu, báo cáo HĐND thành phố sửa đổi Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND, từ đó đưa ra chính sách cụ thể để khắc phục tình trạng thiếu bãi đỗ xe trong thời gian tới.

Chờ hướng dẫn

Mặc dù chủ trương tháo gỡ, nới các điều kiện ngặt nghèo của Nghị quyết 07 đưa ra đến nay đã 5 năm, nhưng trong 11 dự án bãi đỗ xe ngầm Hà Nội có kế hoạch vẫn chưa có bãi xe nào được đầu tư, hoàn thành.

Công ty TNHH Thương mại Tràng An (đơn vị từng quan tâm bãi xe ngầm trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, Nghị quyết 07 đưa ra các cơ chế được HĐND thành phố Hà Nội thông qua như vậy nhưng các sở ngành Hà Nội lại thiếu hướng dẫn, ban hành các cơ chế cụ thể cho từng nội dung công việc, trong đó có đầu tư bãi xe ngầm. “Do vậy, phần 30% diện tích bãi đỗ xe của dự án nhà đầu tư được làm thương mại không biết được sở hữu, sử dụng ra sao, bao nhiêu năm, có các thủ tục pháp lý kèm theo?”, đại diện Công ty TNHH Thương mại Tràng An đặt câu hỏi.

Vấn đề thiếu chỗ đỗ xe và quy hoạch các dự án bãi đỗ xe ngầm chết yểu cũng được nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội chất vấn lãnh đạo UBND thành phố trong kỳ họp cuối năm vừa qua.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn thừa nhận, thành phố đang thiếu chỗ đỗ xe, đặc biệt tại nội thành. Ông Tuấn cho rằng, theo quy hoạch, mật độ chiếm đất của giao thông phải đạt từ 20 - 26%, nhưng hiện thành phố chỉ đạt gần 13%. Ngoài ra, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đang thấp, đạt 0,5%/năm, trong khi tốc độ gia tăng phương tiện đối với ô tô là 10%...

MỚI - NÓNG