Bí bách chỗ để xe
Chật vật tìm bãi đỗ ô tô ở trung tâm quận 1, bà Nguyễn Thị Lý (ngụ quận 3) cho rằng, đường sá ở khu vực trung tâm TPHCM chật hẹp, trong khi đó lượng ô tô quá nhiều khiến việc tham gia giao thông gặp rất nhiều khó khăn, chỉ cần một vài ô tô dừng đỗ dưới lòng đường có thể gây ùn tắc. “Các tuyến đường ở trung tâm đa số là đường một chiều, cấm dừng, cấm đỗ trong khi các bãi giữ xe của cao ốc có giá rất cao và tính theo giờ nên ít người sử dụng. Nhiều tài xế không tìm được bãi đỗ phải dừng trên đường vừa nguy hiểm vừa chắn ngang mặt tiền kinh doanh của các hộ dân hai bên đường”, bà Lý nói.
Đỗ ô tô dưới lòng đường trong khu đô thị quận 2, TPHCM. Ảnh: Phạm Nguyễn |
Ghi nhận của phóng viên, đa số các tuyến đường ở trung tâm TPHCM như Nguyễn Du, Ngô Thời Nhiệm, Trương Định, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lý Tự Trọng... đều có biển cấm đỗ xe nhưng nhiều tài xế vẫn bật đèn khẩn cấp để dừng đỗ nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Đầu giờ chiều ngày 4/5, anh Lê Văn Khiêm, lái xe cho một doanh nghiệp ở quận Gò Vấp bật đèn khẩn cấp dừng trên đường Nguyễn Du, đoạn gần giao lộ Cách mạng tháng Tám (quận 1) để đợi lãnh đạo làm việc với đối tác ở gần đó. Dù tuyến đường này có biển báo cấm đậu xe nhưng anh Khiêm cũng như nhiều tài xế khác đánh liều bật đèn khẩn cấp để dừng đỗ xe.
Theo anh Khiêm, anh thường xuyên phải lái xe đến khu vực trung tâm quận 1 để chở lãnh đạo công ty đi làm việc với đối tác. Việc tìm kiếm điểm đỗ xe gặp rất nhiều khó khăn. Có hôm không tìm được bãi đỗ nên phải đánh xe chạy lòng vòng nhiều tuyến đường trung tâm TPHCM để “giết thời gian”. “Có hôm chạy cả tiếng cũng không tìm được bãi đỗ xe, tôi phải bật đèn khẩn cấp dừng tạm để đợi. Biết là dừng như vậy sẽ ảnh hưởng đến nhiều người tham gia giao thông khác nhưng tôi không còn cách nào”, anh Khiên nói.
Bổ sung 23 tuyến đường vào danh mục thu phí
Liên quan đến việc đỗ xe ở trung tâm TPHCM, đầu tháng 4/2022, Sở GTVT TPHCM đã có văn bản gửi Công an TPHCM và các địa phương liên quan xin ý kiến về việc bổ sung 23 tuyến đường vào danh mục thu phí đỗ ô tô tại các quận 1, 3, 5, 6, 10. Trước đó, việc thu phí đỗ xe đã được thực hiện trên 20 tuyến đường ở quận 1, 5, 10 nhằm hạn chế xe cá nhân vào trung tâm thành phố. Sở GTVT đánh giá việc thu phí thời gian gần đây có nhiều khả quan, số phí thu được đang tăng dần. Để việc quản lý sử dụng lòng đường hiệu quả, Sở GTVT đề nghị các địa phương, Công an TPHCM có ý kiến về việc bổ sung 23 tuyến đường vào danh mục thu phí hoặc đề xuất thêm các tuyến đường khác. Trên cơ sở đó, Sở GTVT trình UBND TPHCM xem xét, chấp thuận.
Vì sao nhà đầu tư tháo chạy?
Trước tình trạng thiếu bãi giữ xe, TPHCM đã quy hoạch 4 bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại và công cộng tại Sân khấu Trống Đồng, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Tao Đàn, Sân vận động Hoa Lư. Theo quy hoạch, 4 bãi giữ xe này có khả năng chứa một lúc gần chục nghìn ô tô, xe máy các loại. Tuy nhiên, các dự án này đến nay vẫn đang nằm trên giấy, thậm chí có dự án đã bị thu hồi.
Trong đó, dự án bãi xe ngầm Sân khấu Trống Đồng, tiền thân là dự án Hầm đậu xe và thương mại dịch vụ Lam Sơn, được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận cho Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương thực hiện năm 2008. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng, gồm 7 tầng ngầm và 3 tầng nổi, sức chứa hơn 700 ôtô và 400 xe máy, tổng diện tích hơn 5.300 m2. Trong quá trình thực hiện dự án, do nhiều vướng mắc nên kéo dài. Đến năm 2019, UBND TPHCM đồng ý cho Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương tiếp tục thực hiện dự án với điều kiện doanh nghiệp phải cam kết đúng tiến độ khởi công trong năm 2020, hoàn thành cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa có tiến triển.
Giải thích về việc chậm triển khai dự án, bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương cho rằng, bị đình trệ do phải điều chỉnh quy hoạch, vướng mặt bằng tuyến Metro số 1, số 2 và một số thủ tục pháp lý. Công ty đã sẵn sàng các phương án tài chính, thi công cũng như điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu của quan chức năng và đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai. Bên cạnh đó, trong quá trình điều chỉnh, dự án bị yêu cầu thay đổi chức năng tầng trên từ thương mại sang công cộng khiến khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn hơn nên phải tính toán lại.
Dự án bãi đỗ xe Công viên Lê Văn Tám có tổng diện tích 11.000m2, quy mô 4 tầng ngầm, 2 khu thương mại và đỗ xe với sức chứa 2.000 xe máy, 1.300 ô tô, tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Dự án do Công ty CP Không gian ngầm (IUS) thực hiện, đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), động thổ năm 2010. Sau nhiều năm đình trệ, nhà đầu tư cam kết cuối năm 2017 triển khai, thi công dự án, nhưng cũng không thực hiện. Tháng 8/2019, UBND TPHCM chấm dứt hợp đồng và thu hồi dự án.
Hai dự án còn lại, bãi đậu xe ngầm ở Công viên Tao Đàn và Sân vận động Hoa Lư với vốn đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng, có sức chứa 3.700 ô tô, hơn 3.700 xe máy cũng đã bị đề xuất chấm dứt đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) và bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM lập báo cáo nghiên cứu khả thi để tìm nhà đầu tư.
Liên quan đến các dự án bị thu hồi, TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức (thuộc Đại học Việt Đức), cho rằng một trong những khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư xây dựng bãi đậu xe ở trung tâm TPHCM là chi phí lớn nhưng việc thu hồi vốn chậm do diện tích dành cho thương mại ít nên không hấp dẫn nhà đầu tư. “Xây dựng bãi đậu xe ngầm tốn chi phí hơn nhiều lần bãi đậu xe thông thường. Do đó, nhà đầu tư phải cân nhắc, tính toán để xây dựng không gian thương mại nhằm thu hồi vốn. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ thương mại quá thấp thì hiệu quả kém, tỷ lệ thương mại cao thì ảnh hưởng đến mục tiêu xây bãi đậu xe công cộng. Đây là nguyên nhân một số nhà đầu tư bỏ dự án”, TS. Vũ Anh Tuấn nhận định.
Theo Sở GTVT TPHCM, hiện TPHCM có trên 9 triệu phương tiện giao thông, trong đó trên 900.000 ô tô. Quy hoạch các bãi đỗ xe ngầm đã có trong quy hoạch chung của thành phố, với diện tích 930ha. Trong 4 dự án bãi đỗ xe ngầm ở trung tâm thành phố, hiện chỉ có dự án tại sân khấu Trống Đồng đang điều chỉnh quy hoạch chi tiết để triển khai.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, trong phạm vi bán kính 500m xung quanh trụ sở UBND TPHCM có 59 công trình cao tầng có từ 1-5 tầng hầm đỗ xe. Ngoài ra, có gần 50 công trình cao tầng có hầm đỗ xe với sức chứa nhỏ. Trừ chỗ đỗ xe cho nhân lực trong các tòa nhà thì chỉ có khoảng 20% diện tích phục vụ khoảng 1.300 ô tô và 2.800 xe máy của người bên ngoài. Tuy nhiên, giá giữ xe của các tòa nhà này khá cao và tính theo giờ nên ít người sử dụng.