Theo Sở Lao động, ước tính khoảng 3.000 người bán dâm hoạt động trên địa bàn thành phố với những hình thức ngày càng tinh vi và đa dạng. Họ lợi dụng triệt để kẽ hở trong chính sách pháp luật, cơ chế quản lý, điều hành của nhà nước. Thành phần mua dâm cũng ngày càng đa dạng, từ trí thức đến công nhân, lao động bình thường.
Đáng chú ý, đơn vị này cho rằng, Nghị quyết 24 của Quốc hội về thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính quy định không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh với người bán dâm mà chỉ xử phạt hành chính, khiến hiệu quả răn đe với người bán dâm không cao, có thể hiểu ngầm “phạt để tồn tại”. Nhiều người không có tiền hoặc không chịu nộp phạt vì biết không thể giữ họ quá 24 giờ.
Từ thực trạng trên, Sở Lao động đề xuất với Quốc hội, nghiên cứu thay thế Pháp lệnh phòng, chống mại dâm bằng ban hành Luật phòng, chống mại dâm.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đề xuất cơ quan lập pháp tăng mức phạt hành chính đối với người mua dâm; sửa đổi khái niệm bán dâm; ban hành các quy định về cơ chế chính sách hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người bán dâm có tính khả thi cao.
Trong năm 2015, Hà Nội chỉ hỗ trợ sinh kế được cho 2 người bán dâm hoàn lương mở của hàng làm tóc và chăn ga, gối đệm với mức hỗ trợ từ 15 - 20 triệu đồng
Trước đó, hồi cuối tháng 7/2014, trong báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đề nghị cần công khai danh tính người mua dâm. Tuy nhiên, đề xuất trên vẫn chưa nhận được phản hồi tích cực từ cơ quan lập pháp.
Kế hoạch phòng, chống mại dâm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2015 đặt ra mục tiêu: triệt phá 200 vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm; triệt xóa 2 tụ điểm mại dâm tại các địa bàn công cộng; kiểm tra, quét vét, xử phạt hành chính 500 lượt người bán dâm...
Theo Võ Hải