Hà Nội: Cơ sở không đảm bảo phòng cháy, in 500 trang chưa hết

Vụ cháy chợ Sóc Sơn cuối tháng 6 vừa qua gây thiệt hại lớn
Vụ cháy chợ Sóc Sơn cuối tháng 6 vừa qua gây thiệt hại lớn
TPO - Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, riêng với 1.147 cơ sở vi phạm PCCC, in ra tập tài liệu đã dày hơn 500 trang.

Trong cuộc làm việc với Sở Công Thương mới đây, Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội chỉ ra, còn hàng trăm cụm công nghiệp, các cơ sở kinh doanh xăng dầu xen lẫn khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại ở các chung cư dễ xảy ra cháy nổ.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đã phối hợp với Cảnh sát PCCC rà soát danh sách 1.147 cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 05 của HĐND thành phố quy định về việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước Luật PCCC 2001 trong chức năng quản lý của Sở.

Riêng về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Sở Công Thương dẫn báo cáo của Cảnh sát PCCC, có 44 cửa hàng không thường xuyên duy trì đảm bảo điều kiện về PCCC; 5 cửa hàng xăng dầu bị tạm đình chỉ hoạt động, 4 cửa hàng xăng dầu bị đình chỉ hoạt động.

Về các lĩnh vực như cửa hàng kinh doanh ga hóa lỏng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, điện lực, Sở cũng đã có các văn bản, yêu cầu các đơn vị chức năng, phối hợp các quận huyện rà soát...

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, danh sách 1.147 cơ sở nói trên đã được phổ biến đến tận cơ sở. Hai Sở cũng phối hợp tốt trong rà soát, đánh giá các cơ sở thuộc lĩnh vực Sở Công Thương.

Ông Vụ cũng đánh giá, danh sách này còn sót lọt nhiều như các cửa hàng, kho kinh doanh gas nằm đan xen trong khu dân cư, hay như các làng nghề, cụm công nghiệp, trạm điện... “Các quận huyện cũng đã rà soát nhưng sót lọt nhiều”, ông Vụ nói.

Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam thắc mắc, tại sao trong báo cáo không đính kèm biểu các cơ sở thuộc diện quản lý của Sở. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, riêng với 1.147 cơ sở, in ra tập tài liệu đã dày hơn 500 trang nên không in.

Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề, hiện nay, các trung tâm thương mại 24/24 nằm ở các chung cư khiến ông rất lo ngại về nguy cơ cháy nổ. Đi kiểm tra, giám sát, những nơi này thậm chí bịt cả cầu thang thoát nạn. Cùng với đó, các cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đề cập trong danh sách.

“Cụm, điểm làng nghề chưa được rà soát. Ngoài việc quan tâm đến nước thải thì cũng phải quan tâm đến mất an toàn PCCC. Cần phải bổ sung vào danh sách theo dõi”, ông Nam nói.

Ông Nam cũng nhắc đến nguy cơ mất an toàn cháy nổ các trạm biến áp, các hệ thống điện tại các chung cư cũ... Các đại biểu cũng nhắc lại một số vụ cháy chợ thời gian gần đây, nêu lên thực trạng mất an toàn cháy nổ.

“Cần tránh mất bò mới lo làm chuồng, cháy xong mới rà soát”, ý kiến thành viên đoàn giám sát nêu.

Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, trong 86 cụm công nghiệp, có 19 cụm do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, vấn đề PCCC cơ bản được đáp ứng.

Còn các cụm khác do ban quản lý dự án cấp quận, huyện, xã quản lý đang đầu tư dở dang. Sở đã trình văn bản lên thành phố yêu cầu kiểm tra, rà soát, bổ sung xây dựng hạ tầng còn thiếu.

Ngoài ra, còn 1.350 làng nghề, làng có nghề công tác PCCC gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, mất an toàn.

Về quản lý chợ, hiện phần lớn trong số 454 chợ đều có nguy cơ về cháy nổ. Trong 30 chợ nằm trong danh sách, hiện mới chỉ có 2 chợ lên được phương án bổ sung, thay thế, đảm bảo PCCC.

Đại diện Sở Công thương lý giải, về cơ chế, đầu tư vào chợ không được dùng ngân sách, trong khi thu hút doanh nghiệp rất khó vì thu lời ít.

Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, cửa hàng gas, dù đã nỗ lực, tuy nhiên, còn khó khăn khi nhiều địa điểm kinh doanh nhỏ lẻ, mặt bằng đi thuê, các ông chủ tập trung chủ yếu vào lợi nhuận, ít đầu tư vào PCCC...

Ông Nam cho rằng, với những cơ sở như chợ, làng nghề, cụm công nghiệp... nếu áp theo tiêu chuẩn về PCCC thì đóng cửa, phá đi xây dựng lại hết.

Bài toán đặt ra là các đơn vị có nghiệp vụ về PCCC phải ngồi với cơ quan quản lý, các chủ đầu tư, nhà sản xuất để đề ra giải pháp đảm bảo PCCC ban đầu, dần hoàn thiện, bổ sung theo từng giai đoạn.

“Giấy phép cũng chỉ là giấy thôi, quan trọng nhất là ý thức. Họ phải hiểu được quy trình xử lý cháy nổ như thế nào. Ví dụ như ngắt điện, dập cháy bằng bột, bằng nước, bằng cát. Hệ thống chữa cháy hoạt động, báo động như thế nào. Trước mắt, chỉ mong hỗ trợ họ làm được như thế đã. Làm sao, chẳng may xảy ra cháy thì không chết người, giảm thiệt hại về tài sản”, ông Nam nói.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.