Hà Nội chi hơn 312 tỷ đồng ngân sách cho khởi nghiệp

Trao đổi về sản phẩm tại Vườn ươm Doanh nghiệp Chế biến và Đóng gói thực phẩm tại Hà Nội (HBI).
Trao đổi về sản phẩm tại Vườn ươm Doanh nghiệp Chế biến và Đóng gói thực phẩm tại Hà Nội (HBI).
TPO - Hà Nội vừa công bố chính thức đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2025 với tổng kinh phí 312,9 tỷ đồng, trích từ nguồn ngân sách nhằm mục tiêu đưa Hà Nội thành một trong những trung tâm khởi nghiệp sáng tạo dẫn đầu.

Đây là thông tin ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) cho biết tại hội thảo "Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và các chính sách thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô".

Đề án này được thành lập theo Quyết định số 4889/QĐ-UBND nhằm tạo cơ sở về cơ chế, chính sách đột phá nhằm hỗ trợ, phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững.

Một trong những mục tiêu chính của đề án là kết nối các thành phần của hệ sinh thái để hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của thành phố với vai trò kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn.

Theo đó, đề án sẽ hỗ trợ hình thành 3 - 5 vườn ươm doanh nghiệp hoặc không gian khởi nghiệp chung, để phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, đề án sẽ hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm và ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng....

Các đối tượng được hưởng lợi từ đề án sẽ là các dự án khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, sáng tạo thuộc các ngành, lĩnh vực có lợi thế, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội (vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức tăng tốc kinh doanh, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức trung gian trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo) cùng các quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhấn mạnh, để nhận được hỗ trợ từ đề án, người đứng đầu tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; ít nhất 1 năm hoạt động, cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất 1 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Nếu được lựa chọn, các dự án khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; kiến tạo môi trường để thu hút đầu tư, khai thác tối đa các nguồn lực của xã hội nhằm hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. 

Việc ra đời đề án này cũng được đánh giá là một trong những bước đi khả quan của TP. Hà Nội, vì Hà Nội bình quân cứ khoảng 35 người có 1 doanh nghiệp, cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung cả nước là 138 người dân/1 doanh nghiệp.

Tính đến 26/10/2019, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn TP. Hà Nội đạt khoảng trên 275.000 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97%). Số lượng doanh nghiệp tăng hàng năm từ 9% -13%/năm.

Riêng 10 tháng năm 2019, TP. Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho trên 22.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là hơn 266.295 tỷ đồng (tăng 9% về số lượng doanh nghiệp và tăng 28% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".