Hà Nội cần xử lý ra sao với các dự án BT đội vốn 'nghìn tỷ'?

Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở
Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở
TPO - Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, thành phố Hà Nội cần khẩn trương thực hiện các biện pháp giảm trừ quyết toán, thu hồi lại ngân sách nhà nước (NSNN) đã thất thoát.

Như tin đã đưa, Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trên địa bàn TP.Hà Nội, trong đó chỉ ra nhiều sai phạm.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan có liên quan có biện pháp xử lý về cơ chế chính sách, hành chính, xử lý kinh tế về khoản tiền hơn 1.600 tỷ đồng, gần 38 triệu USD, đồng thời xem xét trách nhiệm của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc chỉ định thầu, chỉ đạo, đôn đốc cơ quan cấp dưới thực hiện hợp đồng.

Trong số các dự án bị Thanh tra Chính phủ "điểm danh" sai phạm, dự án Nhà máy nước Yên Sở có giá trị thực hiện nạo vét và đề nghị quyết toán vào giá trị dự án theo báo cáo của nhà đầu tư là hơn 9,8 triệu USD. Tuy nhiên không có hồ sơ, tài liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm tra, thẩm định và phê duyệt về biện pháp thi công, khối lượng nạo vét thực tế, đơn giá, định mức thực hiện. Việc lập, phê duyệt, triển khai thực hiện việc nạo vét hồ, giám sát thi công và công tác hoàn công đều do nhà đầu tư tự triển khai. Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian hoàn thành dự án 18 tháng, việc chậm trễ trong thành lập hội đồng nghiệm thu, bàn giao, vận hành nhà máy làm tăng chi phí phát sinh ngoài hợp đồng giá trị sau kiểm toán là hơn 11,5 triệu USD...

Trao đổi với Tiền Phong, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ cho rằng dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở là dự án có quy mô lớn, lẽ ra thành phố phải xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ và ngăn chặn kịp thời nguy cơ đội vốn.

Tuy nhiên, thay vì giám sát chặt chẽ, thành phố lại cho phép chủ đầu tư khởi công khi chưa có quyết định phê duyệt dự án, chưa có kết quả thẩm tra, phê duyệt về thiết kế cơ sở và công nghệ của Bộ Xây dựng, Sở TN&MT thì việc xảy ra sai phạm là khó có thể tránh khỏi…

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ,  ngoài việc xem xét xử lý tập thể và cá nhân liên quan, thành phố cần khẩn trương thực hiện các biện pháp giảm trừ quyết toán, thu hồi lại ngân sách nhà nước (NSNN) đã thất thoát.

“Để tránh thất thoát NSNN, UBND TP Hà Nội cần giao cho các bộ phận chức năng thực hiện rà soát lại từng điều khoản ghi trong Hợp đồng BT đã ký kết với Tập đoàn Gamuda Berhad. Cái gì vượt, cái gì không đúng so với giá trị thể hiện trên Hợp đồng thì phải kiên quyết loại bỏ, yêu cầu giảm trừ và khẩn trương thu hồi. Phải xác định lại chi tiết giá trị xây dựng công trình, từ đó mới xác định đúng diện tích đất đối ứng. Trước khi “chốt” diện tích đất trả cho nhà đầu tư, đơn vị chuyên môn cần tính toán giá đất sao cho sát với giá trị thực tế để quyền lợi trả cho đối tác thực hiện dự án BT tương đương giá trị công trình. Hạng mục nào không có đầy đủ hồ sơ, chứng từ thể hiện rõ khối lượng thi công thì kiên quyết không thanh toán…”, Giáo sư Đặng Hùng Võ nói.

Hà Nội cần xử lý ra sao với các dự án BT đội vốn 'nghìn tỷ'? ảnh 1 Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ

Dự án Đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ là dự án xếp đứng thứ 2 về sai phạm. Nói về dự án này, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ cho biết: “Trong công thức tính giá trị Hợp đồng BT quy định rõ các phần chi phí phải tính toán cho nhà đầu tư tham gia dự án. Khi tham gia vào dự án BT, tức là doanh nghiệp phải tự lo nguồn vốn. Bù lại, doanh nghiệp được thành phố đối ứng bằng quỹ đất ở mức có lợi nhuận. Việc tính cả chi phí lãi vay vào tổng vốn rồi đẩy trách nhiệm chi trả cho nhà nước là hành vi gây thất thoát NSNN.

Với dự án BT, doanh nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng - nghiệm thu – quyết toán công trình, trước khi chính quyền tính toán giao lại quỹ đất đối ứng. Tuy nhiên, với Dự án Đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ, qua báo chí, tôi được biết khi dự án BT chưa hoàn thành đã được thành phố bàn giao đất cho doanh nghiệp, từ đó dẫn đến việc chuyển nhượng qua lại sai quy định. Với dự án này, ngoài việc thu hồi lại khoản lãi tính “khống” vào tổng giá trị công trình, thành phố cần giao cho các đơn vị làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tham mưu giao đất khi dự án chưa hoàn thành theo quy định…”.

MỚI - NÓNG