Hà Nội bàn cách giữ doanh nghiệp ở lại

Doanh nghiệp kiến nghị với lãnh đạo Hà Nội
Doanh nghiệp kiến nghị với lãnh đạo Hà Nội
TP - Ngày 28/11, tại Hội nghị “Gặp mặt và đối thoại doanh nghiệp” nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, lãnh đạo thành phố Hà Nội cam kết sẽ quyết liệt cải cách các thủ tục, ngăn ngừa sách nhiễu và giảm phiền hà cho DN.

Lo ngại doanh nghiệp tên tuổi không ở lại với Hà Nội

Hơn 400 đại biểu đại diện cho các DN đã tham gia buổi đối thoại. Điểm khác của hội nghị lần này là lãnh đạo Hà Nội đối thoại với những DN hiện đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm khẳng định quyết tâm của thành phố về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ DN phát triển.

Đại diện Cty CP Phú Mỹ cho rằng, cần có những cơ chế cho những DN ở Thủ đô có tên tuổi, có thương hiệu chuyển về khu công nghiệp thành phố, thay vì để các DN này di dời ra các địa phương khác đầu tư khiến mất nhiều cơ hội việc làm cho người dân Thủ đô; mất nguồn lực phát triển. Bởi hiện nay các địa phương lân cận đều có nhiều chính sách, cơ chế để thu hút nhà đầu tư. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận, đúng là thời gian qua, với những chính sách kêu gọi của các tỉnh xung quanh, một số DN có thương hiệu của Thủ đô đã chuyển sang các tỉnh lân cận.

Theo ông Chung, thành phố đang có chủ trương khuyến khích DN tìm hiểu khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Thời gian tới, Hà Nội sẽ có chính sách thu hút DN tốt hơn. Lãnh đạo TP cho biết thêm, tuy giá thuê đất tại Hà Nội cao hơn các tỉnh khác nhưng các khu công nghiệp ở Hà Nội vẫn có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi đặt nhà máy tại Hà Nội luôn có lợi thế, thương hiệu riêng, khi lên sàn chứng khoán đều phát triển tốt.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, thành phố phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực, đổi mới tác phong phục vụ của công chức. Theo ông Hiển, nhiều năm qua thành phố đã quan tâm chi ngân sách cho quỹ xúc tiến thương mại, cho các chương trình xúc tiến thương mại và hỗ trợ DN vừa và nhỏ. “Nhưng thực tế việc sử dụng quỹ này không hiệu quả, bởi các chương trình xúc tiến thương mại thực hiện không thiết thực, không trúng và đúng yêu cầu, nhu cầu của DN vừa và nhỏ”, ông Hiển nói. Đồng thời, đề nghị Hà Nội chuyển quỹ xúc tiến thương mại và đầu tư cho Hiệp hội DN nhỏ và vừa quản lý.

Về vấn đề này, lãnh đạo Hà Nội thừa nhận, các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trên địa bàn Hà Nội trước đây nằm ở cấp sở, hiện được quy về một đầu mối đó là Trung tâm xúc tiến đầu tư. Ông Chung cho hay, thành phố cũng đã nhận thức rõ việc đưa các DN đi hội chợ, triển lãm ở nước ngoài thực sự không hiệu quả. “Chúng ta đi chủ yếu là xem và xúc tiến. Kết quả ký kết các hợp đồng thương mại so với số tiền chúng ta bỏ ra để xúc tiến đầu tư còn thấp. Chúng tôi đã nhận thức ra vấn đề này”, ông Chung nói. Để khắc phục vấn đề trên, ông Chung cho biết, lãnh đạo thành phố đã họp 3 phiên và đã quyết định cơ cấu lại quỹ xúc tiến đầu tư của thành phố. Đồng thời, ký kết hợp đồng quảng bá hình ảnh Hà Nội trên kênh truyền hình CNN nhằm đưa du khách đến với Hà Nội và Việt Nam với kinh phí 1 triệu USD/năm (từ 2017-2018).

Giảm phiền hà cho doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, năm 2016 Hà Nội đã có sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng DN khởi nghiệp và thu hút đầu tư nhờ có môi trường đầu tư thông thoáng. Chỉ tính riêng năm 2016, Hà Nội đã có gần 23 nghìn DN thành lập mới, nâng tổng số DN hoạt động trên địa bàn lên trên 200 nghìn DN. Tuy vậy, ông Hải nhìn nhận, hoạt động của DN, nhất là DN nhỏ và vừa trên địa bàn vẫn còn có những khó khăn về việc tiếp cận vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ… Chủ trương, chính sách của thành phố chưa thực sự đồng bộ, chưa tạo được động lực cho phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh, chưa đảm bảo được cho DN phát triển thuận lợi trong điều kiện kinh tế thị trường.

Ông Hải đề nghị UBND thành phố, cùng các sở tiếp thu và trả lời trực tiếp, thẳng thắn, trách nhiệm những kiến nghị của DN. Đặc biệt, yêu cầu thành phố xây dựng đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ đối với các sở, ngành và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ để ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho doanh nhân, DN.

Lãnh đạo thành phố cho biết từ ngày 1/1/2017, UBND TP thành lập Tổ công tác đặc biệt. Tổ này có đại diện chuyên viên các sở ngồi tại một cửa, tiếp nhận các kiến nghị và giải quyết trong 1 lần cho DN, trên cơ sở đó rút ngắn từ 5 vòng giải quyết các thủ tục hành chính xuống còn liên thông một cửa và 1 vòng. “Chúng tôi hy vọng cách làm này sẽ tiết kiệm thời gian, công sức cũng như chi phí cho DN, mục tiêu là giải quyết yêu cầu của DN trong 1 tuần”, ông Chung khẳng định.

Năm 2017, Hà Nội đề xuất lấy khẩu hiệu “đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả” làm chương trình hành động. Trong đó, lấy mục tiêu hàng đầu, chấn chỉnh tư thế, tác phong, kỷ cương, kỷ luật, thái độ, phong cách của cán bộ công chức Hà Nội, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, làm hài lòng người dân và DN. “Tôi đã công bố công khai số điện thoại của mình, cùng hòm thư điện tử. Hàng ngày, các DN điện hỏi, nhắn tin tôi đều trả lời. DN xin gặp, tôi đều sắp xếp cố gắng gặp ngay, kể cả trong giờ hay ngoài giờ để lắng nghe ý kiến, giải quyết cặn kẽ từng ý kiến, từng DN”, ông Chung nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, nhiều DN vẫn còn có ý kiến nhưng thời gian lại ngắn. Do đó, sau hội nghị này nên tiếp tục có hội nghị chuyên đề để trao đổi sâu. Lãnh đạo Hà Nội nên có hình thức trao đổi không chính thức như cà phê doanh nhân để trao đổi, chia sẻ các vấn đề nhằm tăng cường đối thoại nhiều hơn. Ông cũng bày tỏ cảm nhận về sự chuyển động tích cực của HN, không bắt đầu bằng tuyên ngôn to tát mà bằng chương trình hành động cụ thể, bằng việc làm hiệu quả, sáng tạo.

MỚI - NÓNG