“Đây là lần đầu tiên tôi nói khá đầy đủ về việc trồng cây xanh của Hà Nội”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói với các cử tri quận Hoàn Kiếm sáng 18/7.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ hai HĐND TP Hà Nội, giải đáp thắc mắc liên quan đến việc trồng cây xanh trên địa bàn, ông Chung cho hay đã quan tâm đến việc trồng cây xanh từ khi chuẩn bị nhậm chức Chủ tịch UBND thành phố. Ông nghiên cứu trên mạng và tìm hiểu qua những chuyến đi công tác ở nhiều nước để đưa ra quyết sách cho đề án phát triển cây xanh thủ đô trong 20 năm tới.
Sau khi nhậm chức, Chủ tịch Hà Nội đã cho nhập các thiết bị hiện đại nhất thế giới để cắt tỉa cây xanh. “Những năm trước, một năm cắt tỉa được 2.000 đến 3.000 cây, nhưng sau khi có thiết bị mới, từ tháng 12/2015 đến nay đã cắt tỉa được trên 80.000 cây xanh”, ông Chung thông tin.
Lãnh đạo thành phố cho biết, bước một là tiến hành cắt tỉa để đường phố quang đãng nhưng vẫn tạo bóng mát. Bên cạnh đó là hạ độ cao của cây để hạn chế thấp nhất sự cố gãy đổ gây ra tai nạn giao thông như những năm trước. Bước tiếp theo là cắt tỉa thẩm mỹ tạo cảnh quan đô thị.
Để áp dụng công nghệ trồng, cắt tỉa, quản lý cây xanh, TP Hà Nội đã cử 30 công nhân, cán bộ sang Côn Minh (Trung Quốc) tiếp thu kỹ thuật hiện đại. Thành phố Côn Minh đã cử 6 chuyên gia sang giúp đào tạo kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Giám đốc công ty cây xanh của thành phố Melbourne (Australia) cũng sang trao đổi, tư vấn miễn phí cho các cán bộ, công ty cây xanh Hà Nội một tuần.
“Vừa qua có ý kiến về việc thành phố trồng cây vào mùa hè. Tôi có thể đảm bảo 98% cây trồng mùa hè sẽ sống nhờ công nghệ tạo rễ cho cây phát triển tất cả mùa trong năm. Làm như vậy mới đảm bảo kế hoạch trồng một triệu cây xanh trong 5 năm”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Về những ý kiến khác nhau trong việc trồng cây phượng ở giữa giải phân cách một số tuyến đường như Xã Đàn, Trần Khát Chân…, người đứng đầu UBND TP Hà Nội lý giải, khi nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và chuyên gia nước ngoài cũng khuyên nên trồng phượng.
“Phượng là cây đô thị và khác cây xà cừ là có hoa. Tới đây thành phố sẽ cắt tỉa để phượng không mọc tự do, tạo bóng mát 2 bên. Điều quan trọng lá phượng nhỏ, khi rụng có thể trôi xuống cống khi mưa và xe hút bụi có thể hút được, đó là cơ sở khoa học cho việc trồng phượng”, ông Chung phân tích.
Hàng cây phượng vĩ trồng ở giữa dải phân cách đường Xã Đàn lên lá xanh sau một tuần trồng. Ảnh: Ngọc Thành.
Chủ tịch thành phố thông tin, nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, những cây trồng mùa hè như ở đường Xã Đàn, Trần Khát Chân chỉ sau một tuần đã lên mầm xanh. “Hà Nội đang áp dụng công nghệ trồng cây ra hoa quanh năm, phấn đấu để cây phượng Hà Nội sẽ khác Hải Phòng là ra hoa quanh năm. Ngoài ra, sẽ có những cây phượng ra hoa tím”, ông Chung nói.
Để hoàn thành đề án trồng một triệu cây xanh, từ giờ đến năm 2020 mỗi năm thành phố phải trồng mới khoảng 200.000 cây xanh. Thời gian qua đã trồng được khoảng 80.000 cây trên toàn thành phố. Ngoài trồng cây tại tuyến phố, thành phố sẽ tổ chức trồng ở tất cả điểm giao cắt, các khu vực đã được Thủ tướng quy hoạch là vành đai xanh, trong các công viên và trồng rừng.
“Một tháng nữa Hà Nội sẽ trồng đồng loạt trên tất cả tuyến phố cũ, trồng lan tỏa từ hồ Hoàn Kiếm. Khu hồ Hoàn Kiếm đang trồng hoa ban, lan tỏa đường Tràng Thi - Cửa Nam - Điện Biên Phủ - Thanh Niên. Hai tỉnh Sơn La và Điện Biên đã tặng Hà Nội 1.500 cây hoa ban để trồng trên đường Võ Nguyên Giáp. Hy vọng với tất cả kế hoạch về cây xanh thành phố đang triển khai, đến năm 2020 thủ đô sẽ có nhiều tuyến phố đẹp”, Chủ tịch Hà Nội nói.