“Gói vay 30 ngàn tỷ đồng bắt đầu tác động đến thị trường buộc các phân khúc căn hộ khác của thị trường bất động sản có xu hướng giảm và có giao dịch thật. Sắp tới với các ưu đãi hạ lãi suất, tăng thời hạn vay, sẽ có thêm nhiều người vay dễ tiếp cận” - Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Viết Mạnh trả lời Tiền Phong.
Bắt đầu tác động
9 tháng kể từ ngày thực hiện, tình hình giải ngân gói 30 ngàn tỷ dành cho nhà người có thu nhập thấp đã đến đâu, thưa ông?
Đối với khách hàng doanh nghiệp (DN), hiện NHNN đã xác nhận các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng với 19 DN với 21 dự án. Tổng số tiền cam kết giải ngân nguồn tái cấp vốn của NHNN là 1.790 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20% tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở dành cho DN. Trong đó đã giải ngân cho 13 DN với dư nợ 608 tỷ đồng. Như vậy, tính trên cam kết là chiếm 10%, còn thực tế đã giải ngân 6%.
Tuy vậy, dư luận vẫn sốt ruột và cho rằng tốc độ giải ngân chậm, thậm chí chưa tác động mấy đến thị trường bất động sản, điều này ông thấy sao?Tác động rõ chứ. Hơn 3.000 người được mua ở giá dưới 15 triệu đồng/m2, người ta đến và ở có người đã được ở rồi. Chính thực tế này đã buộc các phân khúc căn hộ khác của thị trường bất động sản có xu hướng giảm và có giao dịch thật.
Ngay như tiêu chí lúc chúng ta hình dung: sản phẩm lúc đầu ít, nhà ở thương mại với giá như vậy chưa có vì trước đây toàn nhà cao cấp hơn. Giờ có sản phẩm này, buộc nhiều nhà giá cao phải hạ xuống dần dưới 15 triệu đồng/m2 với diện tích tối đa 70 m2/căn hộ. Cần lưu ý 30 ngàn tỷ đồng là chính sách nhà ở dành cho người có thu nhập thấp và những người có mức độ thu nhập trung bình. Mục tiêu rất rõ ràng.“Tôi muốn nhấn mạnh thêm gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà ở chỉ là một trong những chính sách sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS. Nhưng để phục hồi được thị trường này thì phải cần có thêm nhiều chính sách khác nữa”
Ông Nguyễn Viết Mạnh
Còn tại sao chưa giải ngân mạnh? Tôi nghĩ mình cũng cần có cái nhìn khách quan. Vì đây là lần đầu tiên chúng ta có gói hỗ trợ này, cũng là lần đầu với các ngân hàng. Khi thị trường chưa có sản phẩm, trong xây dựng cơ bản từ lúc bắt đầu chuyển đổi, xây dựng mới phải có thời gian thậm chí thủ tục bên ngoài từ lúc bắt đầu làm dự án đến lúc khởi công phải hàng năm trời.
Lãi vay hạ còn 5%/năm
Vậy, Ngân hàng Nhà nước có chính sách phối hợp với Bộ Xây dựng để đẩy nhanh hơn gói tín dụng. Cụ thể hơn sẽ có những thay đổi thế nào, thưa ông?
NHNN cũng đề xuất để cho nhiều đối tượng được tiếp cận hơn. Vừa rồi TPHCM, một số địa phương kiến nghị thời gian hỗ trợ kéo dài 15 năm. NHNN sau khi tính toán cân nhắc thấy là có thể được. Vì khi đến thời gian 10 năm dư nợ cũng không còn nhiều nữa. Nên thấy rằng cũng cần phải hỗ trợ cho những đối tượng. Chúng tôi cũng đã đề xuất với Chính phủ.
Đó là về lãi suất và thời hạn vay, còn về diện tích theo nhu cầu thực tế, NHNN kiến nghị với Chính phủ không nên khống chế diện tích nhà ở mà có thể khống chế giá trị tiền không vượt quá 1,05 tỷ đồng. Như vậy, vẫn phù hợp với quy định cũ mà linh hoạt hơn trong quá trình triển khai. Một kiến nghị nữa của NHNN là nên bổ sung những khách hàng có hợp đồng vay trước 7/1/2013 được tham gia vào gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng.
Về gói 50 ngàn tỷ mà các ngân hàng vừa tung ra, liệu có phải là chiêu PR của Ngân hàng Xây dựng (VNBC) khi đứng ra tổ chức họp tuyên bố. Trên thực tế, VNBC có đủ năng lực cầm trịch cuộc chơi này, thưa ông?Như thông báo gần đây của NHNN, chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng không phải do VNBC chủ trì. Tôi lưu ý một điều rằng, chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng là xuất phát từ nhu cầu thực tế của các ngân hàng vừa muốn hỗ trợ thị trường BĐS, đồng thời quản lý dòng tiền tốt hơn nên đã phối hợp với nhau trên cơ sở tôn trọng các thỏa thuận liên kết. Trong quá trình thực hiện nếu đơn vị nào có dấu hiệu độc quyền sẽ bị chấn chỉnh ngay. Nên về bản chất thì vai trò, vị trí của các bên tham gia đều như nhau.
Xin cảm ơn ông.