Luật sư vẫn ở “chiếu dưới”
Thực tế cho thấy, câu chuyện xếp ghế ngồi của kiểm sát viên và đội ngũ luật sư tại các phiên tòa ở nhiều địa phương trên cả nước vẫn chưa thống nhất. Thông thường các phòng xử đều đặt chỗ ngồi của hội đồng xét xử ngang hàng với kiểm sát viên và thư ký. Trong khi đó, phía luật sư, sẽ được thu xếp ở hai bên (cánh trái, phải) của hội đồng xét xử, nhưng ở phía dưới, cùng vị trí với các bị cáo, đương sự, người làm chứng cùng những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Cũng từ việc sắp đặt tùy tiện trên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý, ít nhiều sẽ có ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Đơn cử như TAND TP Hà Nội. Ở đây, tất cả vị trí của luật sư đều được đặt dưới ghế ngồi của kiểm sát viên.
Thậm chí, như ở hội trường chính của tòa, ở phía phải (theo hướng của chủ tọa phiên tòa), chỗ ngồi của kiểm sát viên được đặt sát chiếc cột trụ lớn, che hết tầm quan sát của những người dự khán. Trong khi đó, các luật sư được đặt ngồi ở phía dưới, cách xa vị trí của kiểm sát viên cũng như hội đồng xét xử. Ngoài ra, nếu như ghế, bàn của luật sư thường là được bố trí tạm bợ, dạng bàn ghế văn phòng và không theo quy chuẩn, trong khi đó, các kiểm sát viên thường oai nghiêm với bộ bàn ghế “cùng hạng” với hội đồng xét xử.
Theo luật sư Hằng Nga (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đúng là hiện nay chưa có bất cứ văn bản nào điều chỉnh về chuyện ghế ngồi của kiểm sát viên và luật sư. Điều đó có nghĩa, các tòa án có quyền xếp ghế cũng như vị trí của luật sư và kiểm sát viên theo ý mình. Tuy nhiên, theo tinh thần cải cách tư pháp và theo cách hiểu của luật tố tụng hình sự, cơ quan kiểm sát là cơ quan duy nhất buộc tội các bị cáo trước tòa, đề nghị mức án; luật sư chính là người “gỡ tội”...
Căn cứ vào quá trình xét xử, thẩm vấn, tranh tụng và đối đáp cùng các tài liệu có trong hồ sơ, hội đồng xét xử sẽ ra phán quyết cuối cùng. “Như vậy, vai trò của cơ quan kiểm sát và luật sư là ngang nhau, sao lại có sự phân biệt đối xử từ những chiếc ghế ngồi?” - luật sư Nga đặt câu hỏi.
Kiểm sát viên phải bị sức ép trước tòa
Phát biểu tại hội thảo của TAND Tối cao được tổ chức mới đây, luật sư Nguyễn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, cũng cần tạo sức ép cho các kiểm sát viên trước dư luận, luật sư hay chính hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết vụ án.
Theo ông Chiến, việc phần lớn các phòng xử đặt chỗ ngồi của kiểm sát viên ngang hàng với hội đồng xét xử, thư ký, vô hình trung sẽ tạo ra cảm giác cơ quan truy tố như “người nhà” của tòa án. Còn phía luật sư, một mặt họ bị xếp dưới cơ quan kiểm sát, mặt khác lại đặt ở vị trí cách khá xa chỗ ngồi của hội đồng xét xử, nên khi phát biểu họ thường phải cố gắng nói to, nói với, từ đó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng tố tụng tại tòa.
Cùng bàn về nội dung này, luật sư Nguyễn Tiến Trung (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay, việc xếp vị trí kiểm sát viên ngang hàng với luật sư sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc cải cách tư pháp, cũng như nâng cao trách nhiệm của cơ quan truy tố trên chặng đường bảo vệ quan điểm thể hiện trong cáo trạng.
“Chúng ta cần tạo ra sự bình đẳng từ hệ thống pháp lý đến thực tiễn xét xử. Khi xếp kiểm sát viên ngồi ngang hàng luật sư, sẽ thúc đẩy những cán bộ này nghiêm túc làm việc, cũng như độc lập trong quá trình xét xử hoặc đề nghị đường lối xử lý. Ngược lại, được ngồi “cùng chiếu” với kiểm sát viên, các luật sư sẽ tự tin hơn, mạnh dạn hơn trong việc tìm ra những tình tiết có lợi và đề xuất các phương án xử lý trước quan tòa” - ông Trung nêu
quan điểm.
Ở góc độ trái chiều, cũng có không ít ý kiến cho rằng không thể “đánh đồng” giữa kiểm sát viên và luật sư. Theo phân tích của những người này, kiểm sát viên đại diện cho cơ quan Nhà nước, thực hiện chức trách truy tố các bị can, bị cáo; còn luật sư chỉ đại diện cho những đối tượng, đương sự, hay tổ chức, họ đứng trong hàng ngũ của tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Ngoài ra, nếu hiểu đại diện viện kiểm sát và luật sư giữ vai trò buộc tội và gỡ tội nên có vai trò ngang nhau trong tố tụng là chưa thỏa đáng. Bởi lẽ, viện kiểm sát ngoài thực hiện chức năng thực hành quyền công tố (buộc tội) tại tòa, họ còn thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của hội đồng xét xử, những người tham gia tố tụng, bảo đảm việc tuân theo pháp luật và việc chấp hành pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, thống nhất trong hoạt động xét xử.
Tạo bình đẳng trong tranh tụng
Ủng hộ câu chuyện xếp vị trí ngồi của kiểm sát viên ngang hàng luật sư trước tòa, một thẩm phán lâu năm của TAND TP Hà Nội cho rằng, đó là một bước tiến trong cải cách tư pháp, cần được ủng hộ. Theo thẩm phán này, cách bố trí mô hình nói trên chính là đáp ứng nội dung cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, đảm bảo vị trí, vai trò trung tâm của hội đồng xét xử. Ngoài ra, việc xếp vị trí ngang hàng như vậy sẽ tạo sự bình đẳng trong tranh tụng, được quy định tại Hiến pháp năm 2013.