Chủ tịch nước: Phải giáo dục lòng tự trọng cho cán bộ tư pháp

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, chủ trì Phiên họp lần thứ 22 Ban Chỉ đạo. Ảnh: Anh Tuấn
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, chủ trì Phiên họp lần thứ 22 Ban Chỉ đạo. Ảnh: Anh Tuấn
TP - Đó là chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương trong Phiên họp thứ 22, bàn về Đề án thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp, diễn ra tại Hà Nội ngày 18/9.

Theo đó, sau khi nghe các đại diện ngành tư pháp trung ương báo cáo 2 Đề án của Viện KSND Tối cao và TAND Tối cao và các ý kiến đóng góp, Chủ tịch nước yêu cầu 2 cơ quan này nhanh chóng tiếp thu, chỉnh lý nội dung của đề án, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này. Liên quan đến định hướng chỉnh lý, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương yêu cầu các đề án phải được xây dựng trên cơ sở các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tiêu cực liên quan. Cùng với đó, phải bổ sung kịp thời những phát sinh từ thực tiễn, đưa ra những giải pháp để phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp có hiệu quả nhằm làm tốt hơn nữa vai trò bảo vệ công lý của các cơ quan tư pháp.

Cũng theo chỉ đạo của Chủ tịch nươc, trong quá trình xây dựng nội dung các đề án, cần thực hiện tốt hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời phải giáo dục được lòng tự trọng, cũng như danh dự ở đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp.

Tiêu cực còn nhiều

Đại diện cho ngành Tòa án trình bày những nội dung cơ bản về thực trạng, giải pháp phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Văn Thuân (Phó chánh án TAND Tối cao) cho biết, tham nhũng là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây thiệt hại lớn về tài sản.

Cũng theo ông Thuân, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xét xử trong những năm qua vẫn còn hạn chế, thiếu sót cần rút kinh nghiệm và tìm ra các giải pháp khắc phục. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do lỗi của thẩm phán chưa giảm mạnh, chất lượng xét xử còn chưa đáp ứng với yêu cầu, việc ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật trong một số lĩnh vực còn chậm, tiêu cực trong ngành tư pháp vẫn còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều nơi. Ngoài ra, tình trạng cán bộ, công chức ngành toà vi phạm quy tắc nghề nghiệp vẫn còn, đặc biệt là hiện tượng vi phạm pháp luật hình sự, như hành vi nhận hối lộ… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành.

Cho ý kiến về đề án của TAND Tối cao, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (Ban Chỉ đạo) đồng ý với lộ trình và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện được nêu trong đề án. Nhưng, nội dung trong đề án cần quy định rõ hơn công việc cụ thể của từng đơn vị và mối quan hệ phối hợp, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức liên quan. Đề án đã chỉ rõ các hành vi tiêu cực trong hoạt động tư pháp của tòa án, bao quát được những hành vi cố ý, do vụ lợi, hoặc vì động cơ khác và cả những hành vi tiêu cực không cố ý...

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu đề án cần đề ra giải pháp cụ thể nhằm phòng ngừa, khắc phục, hạn chế các hành vi móc ngoặc, câu kết giữa điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư trong quá trình tố tụng.

Theo ông Nguyễn Hải Phong – Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, tham nhũng, tiêu cực khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, có thể “nhận diện” ở các hành vi, như việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, nhận hối lộ hoặc gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi. Hoặc, đơn giản hơn là những hành vi nhũng nhiễu, hách dịch, gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích công dân.

Ông Phong cho hay, vẫn còn hiện tượng một số kiểm sát viên, cán bộ tòa án tuy không trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, nhưng vì vụ lợi đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng chính trị của mình cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, câu kết với người đang trực tiếp giải quyết đưa hối lộ, môi giới hối lộ…

Phải biết xấu hổ

Góp ý vào những đề án của cơ quan tư pháp, ông Nguyễn Doãn Khánh- Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định, các đề án của cơ quan tư pháp chưa thể hiện được tính liên thông, chưa tập trung vào hoạt động chống tham nhũng. Bởi theo ông Khánh, công tác tư pháp, từ điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án là một chuỗi liên kết chặt chẽ. Theo đó, ông Khánh đề xuất, cần thống nhất nội hàm tiêu cực trong hoạt động tư pháp, trong đó gồm cả tham nhũng và những tiêu cực trong ngành tư pháp. Nói đến tham nhũng, đó là 7 hành vi đã được quy định cụ thể ở luật định, còn nói đến tiêu cực, có thể nôm na như “tham nhũng vặt”, nó bao gồm cả những hành vi xâm phạm đến yếu tố đạo đức, vi phạm quy chế ngành…

Theo ông Khánh, ngoài việc các cơ quan tư pháp giám sát lẫn nhau để hạn chế tối đa tham nhũng, tiêu cực, cần đưa ra cơ chế giám sát “ngoài”, gồm các hoạt động liên quan đến lĩnh vực tư pháp, ví dụ đội ngũ luật sư. Cần xây dựng “văn hóa biết xấu hổ” để tạo ra áp lực về danh dự, nhân cách, tư cách của từng cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tư pháp nhằm chống tiêu cưc.

Theo ông Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, phải làm sao  để các cán bộ ngành tư pháp không thể, không dám và không muốn tham nhũng.

MỚI - NÓNG