Góc khuất xuất khẩu gạo

Doanh nghiệp đề nghị hủy kết quả mở khai hải quan 400 nghìn tấn gạo “lúc nửa đêm”. Ảnh: Phương Chăm
Doanh nghiệp đề nghị hủy kết quả mở khai hải quan 400 nghìn tấn gạo “lúc nửa đêm”. Ảnh: Phương Chăm
TP - Nhiều DN đã làm đơn đề nghị Thủ tướng hủy kết quả trong đợt mở cửa “lúc nửa đêm”, cần xử lý hơn 200.000 tấn gạo đang mắc kẹt do đợt tạm dừng trước đó. Theo các DN, chuyên gia, có những góc khuất trong vấn đề điều hành xuất khẩu gạo.

Ðề nghị hủy toàn bộ tờ khai hải quan từ 11/4

Ngày 14/4, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) tiếp tục có đơn đề nghị giải quyết khẩn cấp (lần thứ 2) gửi đến Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, ông Bình kiến nghị các giải pháp, gồm: Hủy toàn bộ tờ khai từ ngày 11/4 đến nay. Hải quan cho các DN khai tiếp những lô hàng đang khai dở dang và thông quan hết toàn bộ số lượng gạo đã nằm trên cảng; cho khai mới và cho khai với số lượng không hạn chế chứ không dừng ở 400.000 tấn rồi đóng “cổng thông tin”, ví dụ cho khai tự do đến 2 triệu tấn.

Tờ khai nào khai trước thì cho doanh nghiệp XK trước đến khi thông quan đạt mốc 400.000 tấn thì dừng XK (các DN đều tự theo dõi được và tự điều chỉnh tiến độ). Tờ khai nào thực hiện sau 15 ngày không xuất thì số lượng gạo không xuất đó tụt lại sau cùng. Tuyệt đối không được chỉ cho khai đến 400.000 tấn rồi đóng “cổng”… “Khai tự do để chống lợi ích nhóm và rất công bằng. Khi thông quan có kiểm soát đủ 400.000 tấn là dừng. Như vậy không còn kẽ hở trong khai báo mà vẫn đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - ông Bình viết.

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, cơ quan chức năng nên kiểm tra lại số lượng gạo của các DN đang ùn ứ, nằm tồn kho tại cảng, dưới tàu gần 1 tháng nay và tạo điều kiện để DN được thông quan. Về đăng ký tờ khai, ông Toại nói: “Người nằm ở nhà cũng có thể đăng ký được, trong khi đó chưa có gạo tại cảng, như vậy theo tôi là không công bằng và cách giải quyết này không tình không lý”.

Đại diện Sở Công Thương Cần Thơ đề xuất: Một là chọn DN ưu tiên, tức là thống kê lại từ ngày 23 đến 30/3, những DN này có hàng nằm tại cảng thì xác minh cho DN đăng ký thông quan hết lô hàng đó theo đúng hợp đồng kinh tế. Tiếp đến là lô hàng đã ra cảng từ ngày 1 đến 10/4 là ưu tiên thứ hai. Như vậy, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Hải quan phải ngồi lại để cho các DN tại cảng này đứng ra kê khai, chính quyền địa phương phải đứng ra xác nhận và sau khi xác nhận rồi cho thông quan một cách công khai minh bạch.

Đối với DN chưa vận chuyển hàng ra cảng, phải được thông báo cho tạm ngưng lại đợi đợt xuất sau chứ không phải muốn đăng ký là đăng ký.

Theo ông Toại, việc ngưng XK đột ngột này ảnh hướng rất lớn đến uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam.

Có góc khuất sau lô gạo dự trữ?

Nhiều DN, chuyên gia cho rằng trong xuất khẩu gạo thực sự “có vấn đề”.

Lượng gạo dự trữ năm 2020 là 190 nghìn tấn, nhưng đến nay mới mua được 7.700 tấn. Tổng cục Dự trữ nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, rất nhiều DN trúng thầu đã “xù”, bỏ luôn cả tiền cọc, và con số này tới trên 160 nghìn tấn.

Những đơn vị trúng thầu gạo dự trữ lâu nay thường khá kín. Tuy nhiên, trong số nhiều cái tên bị bêu “xù thầu” mới đây, có nhiều công ty thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) như: Cty CP Lương thực Cao Lạng, Cty CP Lương thực Hà Tĩnh...

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngoài việc trúng nhiều lô thầu gạo dự trữ, Vinafood1 cũng phải giao khoảng 200 nghìn tấn gạo theo hợp đồng đã ký với Malaysia, trong đó có một lượng lớn gạo IR50404; khoảng 150 nghìn tấn cho Iraq… Vinafood1 cũng là đơn vị cung cấp cho Cuba theo hợp đồng Chính phủ mỗi năm khoảng 300 nghìn tấn. Nếu mua vào với giá gạo hiện nay để giao cho hợp đồng đã ký giá rẻ trước đó, khả năng Vinafood1 có thể “ôm” khoản lỗ “khủng”!

Trao đổi với PV Tiền Phong, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, loại gạo dự trữ là giống IR50404. Loại gạo này Bộ NN&PTNT khuyến khích trồng ít, vì giá gạo rẻ, giá lúa thường chỉ khoảng 4.000 đồng/kg, gạo thành phẩm khoảng 6.000-7.000 đồng/kg, nhưng hiện nay ở ĐBSCL loại gạo này đã gần 11.000 đồng/kg.

Theo GS Xuân, trong số DN trúng thầu cấp gạo dự trữ, có nhiều công ty của Vinafood1. Việc này cần phải xử lý theo quy định với những DN “bẻ kèo”.

“Họ đã ký hợp đồng với giá thấp trước, nay giá gạo lên cao, nên nếu mua giá hiện nay để giao theo các hợp đồng ký trước thì lỗ là cái chắc”, GS Xuân phân tích.

Trong số DN đã đăng ký mở tờ khai hải quan thành công để xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo trong tháng 4/2020 có nhiều tên tuổi. DN đăng ký “trúng” số lượng lớn nhất là Công ty CP Tập đoàn Intimex với trên 96.200 tấn. Top 5 DN đăng ký thành công số lượng lớn còn có Tổng Cty Lương thực miền Nam (Vinafood2) là: Cty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang với gần 35.700 tấn; Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín gần 25.400 tấn; Cty CP Thương mại Kiên Giang trên 24.400 tấn… Ngoài ra, còn có Cty CP Quốc Tế Gia, Cty CP TNHH Tân Thạnh An, Cty TNHH MTV XNK Lương thực Ngọc Lợi, Cty CP Hiệp Lợi, Cty TNHH Phát Tài, Cty CP Lương thực Bình Định, Cty CP Mỹ Trường…

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.