Góc khuất tham nhũng vặt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ chỉ số PCI 2020 được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố ngày 15/4 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh và môi trường kinh doanh tại Việt Nam cải thiện dần theo từng năm.

Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực cốt yếu ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp (DN) như đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội và lĩnh vực xây dựng vẫn bị kêu nhiều. Đặc biệt, gánh nặng thanh tra, kiểm tra với việc có gần 45% doanh nghiệp được hỏi cho hay phải trả các chi phí không chính thức; 54% DN cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn… là những thách thức lớn với việc cải cách thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh.

Tạo dựng môi trường cạnh tranh luôn đòi hỏi những lãnh đạo cao nhất của địa phương buộc phải bỏ qua quyền lợi cá nhân, ý nghĩ tư túi. Có như vậy các lãnh đạo chính quyền, công chức mới có thể “sạch” và đàng hoàng trong xây dựng chính sách cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Còn nếu không, tình trạng cài cắm lợi ích, tham nhũng vặt sẽ luôn ẩn mình trực chờ.

Trường hợp tỉnh Đồng Tháp, năm nay ở vị trí thứ 2 về cải cách, nổi tiếng với việc ông Lê Minh Hoan (khi còn đương nhiệm Bí thư Tỉnh ủy - nay ông Hoan là Bộ trưởng NN&PTNT) thường xuyên tổ chức những cuộc cà phê doanh nhân; gặp gỡ nông dân để nghe phản hồi trực tiếp từ người trong cuộc. Quyết định của lãnh đạo tỉnh sau những cuộc lắng nghe này luôn đem lại kết quả tích cực được cộng đồng ghi nhận. Tuy nhiên, Đồng Tháp tiếp tục đi lên hay tụt dốc, sau thời ông Hoan, sẽ có trả lời trong những năm xếp hạng tiếp theo.

Thực tế cho thấy, tình trạng cài cắm giấy phép con trong nhiều Nghị định, thông tư liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tồn tại. Nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, sau một thời gian rất dài, cũng đã được bỏ bớt nhưng doanh nghiệp vẫn luôn kêu khổ. Chỉ cần một từ “vướng”, không rõ ràng trong văn bản hành chính, doanh nghiệp sẽ phải tốn không ít thời gian, tiền bạc để vượt qua rào cản.

Cũng không phải tự nhiên mà tham nhũng vặt đã trở thành vấn đề bức xúc của xã hội trong nhiều năm. Với đủ loại biến tướng, tham nhũng vặt, chi phí ngầm xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống và ngày càng tinh vi hơn. Những khoản “trà, nước đầy đủ” mới yên, xuôi chuyện khi người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính vẫn tồn tại... Chính phủ quyết tâm dẹp vấn nạn, đại biểu Quốc hội, cử tri miệt mài lên tiếng nhưng tình trạng vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp trong các dịch vụ công vẫn còn.

Với bộ, ngành, tham nhũng vặt thể hiện qua tình trạng hạch sách thông qua các thông tư, chính sách quản lý. Với địa phương, thậm chí ở cấp xã, phường, “tham nhũng vặt” xảy ra từ giải quyết thủ tục hành chính, quản lý trật tự giao thông, đô thị, y tế, giáo dục, hải quan, thuế; bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức… Miếng ngon nên người có chức, có tí quyền liên quan luôn phải cố bám, cắn một miếng. Lời giải thích “tình trạng chung” luôn là bình phong tốt cho các hành vi biến tướng này.

Một xã hội số hóa, minh bạch, công khai các số liệu, quy trình sẽ đóng góp rất lớn vào việc dẹp những góc khuất kiếm tiền khó có thể bỏ qua đối với các quan chức, công chức trong bộ máy hành chính hiện nay.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.