Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020: Vẫn ưu ái DN Nhà nước, FDI

0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo PCI 2020, dịch vụ công của Việt Nam dần được cải thiện. Ảnh: Như Ý
Theo báo cáo PCI 2020, dịch vụ công của Việt Nam dần được cải thiện. Ảnh: Như Ý
TP - Bộ chỉ số PCI 2020 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh và môi trường kinh doanh tại Việt Nam cải thiện dần. Tuy nhiên, một số lĩnh vực cốt yếu ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp (DN) vẫn phiền hà như đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, ở địa phương vẫn còn tình trạng ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Gánh nặng thanh tra, kiểm tra

Ngày 15/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 từ thông tin phản hồi của gần 12.300 doanh nghiệp (trong đó có trên 10.700 DN tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 DN FDI) đánh giá về cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh của các địa phương.

Trong bảng xếp hạng PCI 2020, 10 địa phương đánh giá cao nhất gồm: Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh.

Điều tra PCI 2020 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam có xu hướng cải thiện theo thời gian. Những chuyển động tích cực được ghi nhận gồm: chi phí không chính thức tiếp tục giảm, an ninh trật tự được giữ vững, chính quyền cấp tỉnh năng động, tiên phong hơn, cải cách hành chính có cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Theo kết quả điều tra, cứ 4 DN được hỏi, có 1 DN cho rằng địa phương ưu ái DN Nhà nước, gây khó khăn cho DN tư nhân. 1/3 số DN được hỏi cho rằng, chính quyền còn ưu ái cho doanh nghiệp FDI. Vẫn còn 40% DN chưa sẵn sàng sử dụng toà án để giải quyết các tranh chấp về kinh tế.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, báo cáo PCI 2020 cho thấy những nỗ lực cải cách hành chính trong những năm qua còn “gập ghềnh”. Một số lĩnh vực nhiều phiền hà như đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội…

“Gần 45% DN cho biết phải trả các chi phí không chính thức; 54% DN cho rằng hiện tượng nhũng nhiều vẫn còn. Có tới 20% DN đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc chưa hiệu quả, chưa thân thiện”, ông Lộc cho biết.

Đặc biệt, còn tới 3% DN phản ánh mỗi năm họ còn bị thanh, kiểm tra quá 5 lần. DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, chế tạo phản ánh về hiện tượng thanh, kiểm tra quá mức (hơn 5 cuộc/ năm) và thanh, kiểm tra trùng lặp cao nhất. Phản ánh nhiều nhất về hiện tượng nhũng nhiễu trong thanh, kiểm tra là DN lĩnh vực xây dựng.

“VCCI kiến nghị, các cuộc thanh tra theo kế hoạch nên được thông báo trước cho cơ quan thanh tra cấp tỉnh để sắp xếp và bố trí nhằm mục tiêu giảm số lần và thời gian thanh tra, không trùng lặp nội dung giữa các cơ quan, đoàn thanh, kiểm tra và tăng tối đa số đoàn liên ngành, thay vì mỗi đơn vị tiến hành riêng lẻ. Cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng chuyển hẳn sang việc thực hiện công tác thanh, kiểm tra dựa trên cơ sở quản lý rủi ro trong chấp hành pháp luật ở tất cả các ngành, lĩnh vực”, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế VCCI kiến nghị.

Kết quả điều tra doanh nghiệp FDI năm 2020 cũng cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng Việt Nam tiếp tục kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoàn thiện hệ thống thủ tục, quy định và nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng.

Thái độ chính quyền với DN tư nhân dần cải thiện

Sau 16 năm điều tra, công bố, PCI đã đem lại những chuyển biến tích cực về thái độ của chính quyền đối với khu vực kinh tế tư nhân. Quan hệ “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” được khởi động. Khẩu hiệu “Doanh nghiệp phát tài - địa phương phát triển” được đề ra. Phương châm hành động: “Trong thành công của doanh nghiệp có nghĩa vụ của chính quyền, trong thất bại của doanh nghiệp có trách nhiệm của chính quyền” được lan tỏa ở nhiều địa phương.

Kết quả điều tra doanh nghiệp FDI năm 2020 cũng cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng Việt Nam tiếp tục kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoàn thiện hệ thống thủ tục, quy định và nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng.

“PCI không chỉ là bảng xếp hạng về chất lượng điều hành của các tỉnh, thành phố, mà còn là tín hiệu và động lực để nhiều tỉnh, thành phố đẩy nhanh quá trình cải cách. Đây cũng là kênh đối thoại hiệu quả giữa chính quyền và hàng trăm nghìn DN tư nhân, là “tiếng lòng” của DN, là biểu tượng của sự cầu thị và lắng nghe của hệ thống chính quyền”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết.

Trong bảng xếp hạng PCI 2020, các địa phương đánh giá cao nhất gồm: Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An và Bình Dương. Trong đó, với điểm số PCI tổng hợp năm 2020 đạt 75,09 điểm, Quảng Ninh là tỉnh có vị trí đứng đầu PCI trong 4 năm liên tiếp. Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua được mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.

Những tỉnh tiếp theo đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2020 là Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh. Nhóm cuối cùng trong PCI 2020 là Bắc Kạn, Đắk Nông, Hà Giang, Kiên Giang và Bạc Liêu. Trong đó, đáng chú ý có sự xuất hiện của tỉnh Bạc Liêu. Theo PCI 2020, số điểm của tỉnh Bạc Liêu là 59,61, giảm 4,17 điểm. Với số điểm này, tỉnh Bạc Liêu đã tụt từ vị trí 51 xuống vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng PCI.

MỚI - NÓNG