ĐBSCL: Nhất nước về PCI nhưng thu hút FDI... bét bảng!

TPO - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng tiếp tục có điểm số trung bình của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất cả nước, như một điển hình với hình ảnh chính quyền năng động, điểm sáng về cải cách chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh.

Tại hội nghị “Môi trường đầu tư kinh doanh qua kết quả PCI năm 2018 khu vực ĐBSCL” được tổ chức tại Bến Tre ngày 17/4, ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ cho biết kết quả PCI năm 2018 cho thấy ĐBSCL một lần nữa là vùng được đánh giá cao nhất trong 6 vùng kinh tế của cả nước, với bình quân 64,31 điểm, tăng 0,9 điểm so với 63,40 điểm bình quân năm 2017. Nổi bật có 3 tỉnh nằm trong top 5 đứng đầu (Đồng Tháp, Long An, Bến Tre), 4 tỉnh trong top 10. Trong 10 chỉ số thành phần, vùng có 5 tỉnh có điểm số đứng đầu, rất nhiều tỉnh đứng ở top đầu trong nhiều chỉ tiêu đo lường.

ĐBSCL: Nhất nước về PCI nhưng thu hút FDI... bét bảng! ảnh 1

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CK

“Tại sự kiện công bố PCI vào tháng 3 vừa qua, Chủ tịch VCCI và Giám đốc Dự án PCI đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần về ĐBSCL như một điển hình với hình ảnh chính quyền năng động” – ông Lam nói và nêu lên những thay đổi ấn tượng của ĐBSCL trong năm qua thể hiện rõ nhất ở các chỉ số như chỉ số “Tiếp cận đất đai” tiếp tục duy trì và được đánh giá cao khi có 7 tỉnh trong top 10 cả nước; chỉ số “Chi phí thời gian” được đánh giá rất tốt khi có 9 trong 15 tỉnh đứng đầu.

Chỉ số “Chi phí không chính thức” là chỉ số nổi bật khi có 5 tỉnh đứng đầu cả nước là của ĐBSCL, 7 tỉnh trong top 10 và 11 tỉnh ở top 20. Bên cạnh đó, chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” như là một đặc trưng riêng của vùng với 10 tỉnh nằm trong top 20 tỉnh đứng đầu, doanh nghiệp (DN) ở ĐBSCL cảm nhận dường như không thấy có sự phân biệt trong điều hành kinh tế ưu ái cho DN nhà nước hay DN FDI với DN tư nhân trong nước…

Ông Cao Văn Trọng – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết tỉnh Bến Tre nói riêng và ĐBSCL nói chung luôn được cộng đồng DN, nhà đầu tư đánh giá rất cao, thường xuyên có nhiều địa phương nằm trong top đầu của cả nước, được xem là những điểm sáng trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Xét về bảng xếp hạng năm 2018 thì trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước đã có 4 đại diện của ĐBSCL (Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long). Điều đó cho thấy rằng chính quyền các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL luôn nỗ lực thực hiện tốt 10 chỉ số thành phần.

Đối với tỉnh Bến Tre, với phương châm “năng động - sáng tạo - đổi mới” trong thực hiện cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân và cộng dồng DN tỉnh nhà trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cả bộ máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến Bến Tre tìm kiếm cơ hội đầu tư và thực hiện các dự án.

Từ vị trí xếp hạng thứ 12 năm 2016, Bến Tre đã tăng 7 hạng lên thứ 5 vào năm 2017 và thứ 4 năm 2018, thuộc nhóm điều hành tốt. “Để thực hiện được nội dung quan trọng trên, trong những năm qua tỉnh Bến Tre đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PCI gắn với việc thực hiện có hiệu quả chương trình "Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp", đây là một trong những chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015-2020 của tỉnh Bến Tre” – ông Trọng cho hay.

ĐBSCL: Nhất nước về PCI nhưng thu hút FDI... bét bảng! ảnh 2 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: CK

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, kết quả điều tra, khảo sát trong năm 2018 cho thấy vẫn còn một số mặt hạn chế, chưa tốt của tỉnh. Thể hiện ở các lĩnh vực có chỉ số thành phần, tiêu chí thành phần tụt giảm điểm số; sự đánh giá chưa cao của cộng đồng DN và người dân... cũng làm ảnh hưởng đến kết quả chung trong việc cải thiện và xếp hạng các chỉ số, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.  

Theo ông Nguyễn Phương Lam, bên cạnh kết quả đạt được, những điểm mạnh vốn có của ĐBSCL nay đã giảm đi, như chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” không còn nhiều tỉnh đứng đầu, chỉ số “Tính minh bạch” ngày càng vắng tên tuổi, hay chỉ số “Thiết chế pháp lý” vốn là thế mạnh của vùng thì nay chỉ còn có Bến Tre và Đồng Tháp nằm trong top 10.

Không chỉ thế, ĐBSCL lại phát sinh thêm những hạn chế khác như: tỷ lệ mất cắp tài sản của DN khá cao, hay như việc ĐBSCL là vùng có tỷ lệ DN truy cập vào website của tỉnh thấp nhất cả nước… Từ những điểm yếu đó, cộng với hạn chế về đầu tư hạ tầng cơ sở, ĐBSCL đang gặp nhiều hệ quả như: vùng có hơn 17 triệu dân, chiếm gần 20% dân số cả nước nhưng số DN hoạt động hiện chỉ chiếm 8% số DN cả nước (đó là chưa kể năng lực cạnh tranh của DN đang yếu hơn so với các vùng kinh tế khác).

“Chúng ta đang nỗ lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển kinh tế nhưng tổng vốn FDI của ĐBSCL hiện đang ở mức 21,5 tỷ USD, chỉ hơn được vùng Tây Nguyên và Miền núi phía Bắc. Chúng ta có tới 13 tỉnh nhưng thu hút FDI trong năm 2018 chưa bằng một tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (1,5 tỷ USD so với 1,8 tỷ USD). Chúng ta đang tự hào là vùng kinh tế và nông nghiệp lớn nhất cả nước, nhưng xuất khẩu chưa bằng một tỉnh Đồng Nai…” – ông Lam băn khoăn. 

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI, ĐBSCL vẫn tiếp tục là một điểm sáng về cải cách chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh, dẫn đầu cả nước về tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức và tính năng động. Tuy nhiên, về thu hút đâu tư nước ngoài và phát triển DN vẫn đang đi sau cả nước, chất lượng hạ tầng có thay đổi tích cực hơn nhưng chậm so với cả nước, dịch vụ hỗ trợ DN và đào tạo lao động là 2 điểm yếu cần thay đổi, DN ĐBSCL kém lạc quan hơn bình quân chung cả nước…

MỚI - NÓNG