Góc khuất của vụ xử phạt vì 'nói xấu' chủ tịch tỉnh trên facebook

Nhà cao tầng của Chủ tịch Thạnh và nhà ông Phúc. Ảnh: Quốc Ấn
Nhà cao tầng của Chủ tịch Thạnh và nhà ông Phúc. Ảnh: Quốc Ấn
TP - Ba người “nói xấu” Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trên Facebook bị phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng cùng các mức kỷ luật, tiếp tục gây tranh luận và hé lộ những góc khuất.

Khái quát: giữa tháng 6, Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang vì yếu kém trong quản lý đất đai, để xảy ra nhiều tiêu cực. Cô giáo Lê Thị Thùy Trang ở Trường THPT Long Xuyên tải thông tin lên Facebook cá nhân kèm nhận xét: “Hồi nào vậy tèn. Mà vậy đi cho đẹp lòng dân”, nhận được 8 bình luận. Trong đó, có bình luận của ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (nhân viên Phòng Điều độ Lưới điện phân phối, Cty Điện lực An Giang): “Ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang”. Nhưng ông Phúc bình luận bằng tài khoản của vợ Phan Thị Kim Nga (Phó văn phòng Sở Công Thương).

Ngày 16/10, cô giáo Trang và ông Phúc bị Sở TT&TT ra quyết định phạt mỗi người 5 triệu đồng. Cô giáo Trang còn bị kỷ luật khiển trách, bà Nga bị cảnh cáo.

Không nên, không biết

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị kể, lúc đương chức ông cũng bị “nói xấu sau lưng”. Nói sau lưng nhưng vẫn đến tai ông, chẳng hạn “mấy thằng lãnh đạo dở, thì có mình trong đó rồi. Nghe vậy, tôi chỉ cười vì có khi người ta nói đúng và mình phải sửa”. Về vụ kỷ luật những người được cho là “nói xấu” Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đương chức, ông nhận xét: Có thể bây giờ do không quen sống với kiểu nói thẳng. “Nên xử lý như thế nào thì anh Hơn đã phát biểu trên báo rồi, rất chuẩn, tôi thống nhất với anh Hơn”, ông Nhị khẳng định.

Ông Hơn là Nguyễn Văn Hơn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang. Theo ông Hơn, nội dung các câu bình luận trên Facebook mang tính chủ quan, là những câu nói bình thường, nếu chưa đúng thì nhắc nhở, yêu cầu xóa bỏ chứ “kỷ luật như vậy là nặng, không nên”. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang nhấn mạnh, nếu còn đương chức, ông sẽ yêu cầu kiểm tra lại cho khách quan, kỷ luật chưa thuyết phục thì rút lại để “được lòng dân”.

Còn ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khẳng định ông không chỉ đạo xử lý kỷ luật, thậm chí không biết. Ông nói: “Vụ việc này bản thân tôi không phát hiện và không biết. Đặt trường hợp tôi phát hiện thì những dạng này tôi mời họ và lãnh đạo đơn vị họ đến để làm việc và trao đổi”. Theo ông, công an tỉnh phát hiện trên Facebook, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, sau đó các cơ quan vào cuộc làm việc, “tôi không dính dáng gì đến việc họp hành để xử lý vụ việc này”.

Không xúc phạm

Ngày 20/7, Công an tỉnh An Giang có báo cáo những bình luận trên Facebook với các nickname của bà Trang, ông Phúc, bà Nga. Ngày 15/9, Đảng ủy khối Dân chính đảng có công văn chỉ đạo việc xử lý, chấn chỉnh cán bộ, đảng viên lợi dụng việc sử dụng Facebook. Cũng trong tháng 9, diễn ra hàng loạt cuộc làm việc từ trên xuống đến trường học, cơ quan, đơn vị của ba người.

Sáng 15/10, Đoàn thanh tra của Sở TT&TT tỉnh An Giang làm việc với cô giáo Trang và ông Phúc. Trong các “Biên bản làm việc”, Đoàn thanh tra cho rằng, việc làm của cô giáo Trang và ông Phúc là “xúc phạm uy tín đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh”. Hành vi được xác định vi phạm Điều 5, khoản 1, điểm d, Nghị định 72, ngày 15/7/2013 của Chính phủ (quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng). Nội dung điểm d: “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”. Nhưng trong “Biên bản làm việc”, cô giáo Trang không đồng ý với Đoàn thanh tra, mà khẳng định: “Không cố ý đưa thông tin xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân nào cả”.

Hôm sau, ngày 16/10, Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành Sở TT&TT tỉnh An Giang ký quyết định “xử phạt vi phạm hành chính” bà Trang và ông Phúc, mỗi người 5 triệu đồng. Căn cứ Nghị định 174, ngày 13/11/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số điện). Áp dụng điểm G, khoản 3, Điều 66: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Mâu thuẫn láng giềng

Ông Phúc cũng khẳng định “không có ý xúc phạm bôi nhọ uy tín của lãnh đạo tỉnh”, và nói rõ thêm: “Đây chỉ là lời bình luận, nhận xét cá nhân giữa người với người trong mối quan hệ hàng xóm láng giềng”. Nhà của ông Phúc sát vách nhà Chủ tịch Vương Bình Thạnh ở phường Mỹ Long (Long Xuyên, An Giang).

Nhà ông Phúc của cha mẹ, đều là giáo viên nghỉ hưu, ở đã lâu nên làm láng giềng với ông Thạnh từ lâu. Năm 2007, ông Thạnh đập nhà cũ, cất nhà 4 tầng, làm nứt nhà của ông Phúc thì mâu thuẫn hai bên nảy sinh, ngày càng căng thẳng. “Sơn nhà, rác thải sinh hoạt, đậu xe tràn qua sân nhà tôi, đôi khi dẫn đến lời qua tiếng lại giữa mẹ tôi và người bên nhà Chủ tịch”, ông Phúc kể. Theo ông Phúc, có lần nhà Chủ tịch để rác vương vãi, mẹ ông nhắc “Chủ tịch phải làm gương cho dân” thì con gái Chủ tịch nói lại “giáo viên phải làm gương chứ không phải Chủ tịch làm gương”.

Mâu thuẫn láng giềng tích tụ, nên giữa tháng 6, thấy thông tin kiểm điểm Chủ tịch tỉnh trên Facebook, ông Phúc bình luận “ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân”... Khi bình luận, ông Phúc sử dụng chiếc ipad ở nhà, dùng chung hai vợ chồng, đang ở chế độ đăng nhập tài khoản của vợ mà không để ý. Kết cục, vợ ông vạ lây, bị kỷ luật cảnh cáo Đảng và chính quyền.

Theo ông Hơn, nội dung các câu bình luận trên Facebook mang tính chủ quan, là những câu nói bình thường, nếu chưa đúng thì nhắc nhở, yêu cầu xóa bỏ chứ “kỷ luật như vậy là nặng, không nên”. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang nhấn mạnh, nếu còn đương chức, ông sẽ yêu cầu kiểm tra lại cho khách quan, kỷ luật chưa thuyết phục thì rút lại để “được lòng dân”.

MỚI - NÓNG