Ba người bị cho là “nói xấu” Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trên Facebook, bị phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng cùng các hình thức kỷ luật khác. Luật sư Vi Văn A, Trưởng văn phòng luật sư số 7 (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng, việc xử phạt trên không thuyết phục. Luật sư Nguyễn Trường Thành, Trưởng văn phòng Luật sư Vạn Lý (Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ), nói rằng, kỷ luật họ cũng không đúng luật.
Cô giáo Lê Thị Thùy Trang ở Trường THPT Long Xuyên, tải lên Facebook thông tin Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang vì yếu kém trong quản lý đất, kèm lời bình “ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang”. Luật sư nhận xét gì về câu bình?
Luật sư Nguyễn Trường Thành: Theo tôi, đó là câu nhận xét về người khác mà nội dung chính là góp ý phê bình, ở đây là ông Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.
Nhưng nhiều cơ quan và cán bộ ở tỉnh An Giang cho rằng, cô giáo Trang xúc phạm uy tín của ông Chủ tịch UBND tỉnh. Cô đã bị Sở TT&TT tỉnh An Giang xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng, căn cứ khoản G, mục 3, điều 66, Nghị định 174 ngày 13/11/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số điện) có nội dung: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”. Ông thấy thế nào?
Cho rằng xúc phạm uy tín của ông Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhưng đến nay mới thấy cấp dưới của ông suy luận như thế chứ chưa có ý kiến của ông Chủ tịch và cũng chưa thấy ông yêu cầu gì cả. Trước khi xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản vi phạm hành chính không?
Hiện mới chỉ có “Biên bản làm việc” của Đoàn Thanh tra Sở TT&TT với cô giáo Trang, không có biên bản vi phạm hành chính?
Nếu đúng như vậy thì không được. Không có biên bản vi phạm hành chính thì không được xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt là không đúng luật.
Nhưng cô giáo Trang còn bị nhà trường kỷ luật khiển trách?
Cũng không đúng luật. Nghị định 27, ngày 6/4/2012 của Chính phủ về xử lý kỷ luật viên chức; trong đó, điều 10 quy định 8 hành vi viên chức bị khiển trách, hành vi của cô giáo Trang không rơi vào trường hợp nào cả.
Trong vụ này, ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (nhân viên điện lực) sử dụng tài khoản của vợ là bà Phan Thị Kim Nga (Phó văn phòng Sở Công thương) vào facebook “like” (thích); thì ông Phúc cũng bị Sở TT&TT phạt 5 triệu đồng, còn bà Nga bị cảnh cáo?
Phạt vi phạm hành chính ông Phúc 5 triệu đồng là không đúng luật như đã phân tích với cô giáo Trang. Còn kỷ luật cảnh cáo bà Nga cũng không đúng luật, bởi vì Nghị định 34, ngày 17/5/2011 về xử lý kỷ luật với công chức; trong đó, điều 10 quy định 8 hành vi công chức bị cảnh cáo, không có hành vi nào rơi vào trường hợp bà Nga.
Bí thư Đảng ủy khối Dân chính đảng tỉnh An Giang, ông Nguyễn Văn Xe, phát biểu với báo chí có cho rằng, kỷ luật 3 người vì làm ảnh hưởng đến uy tín Chủ tịch UBND tỉnh ở thời điểm trước thềm đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh?
Luật sư Nguyễn Trường Thành
Kỷ luật viên chức, công chức và xử phạt vi phạm hành chính công dân phải căn cứ vào luật pháp, không thể căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương hay yêu cầu của cơ quan Đảng.
Với hành vi của ba người trong vụ này, theo ông, xử lý thế nào là thích hợp?
Như tôi đã nói, câu bình luận có nội dung chính là góp ý phê bình, chứ không nhằm hạ thấp uy tín hay xúc phạm danh dự. Mà góp ý phê bình, công chức và viên chức nên trực tiếp hoặc thông qua hệ thống tổ chức. Khi góp ý trên Facebook, nếu thấy không thích hợp thì các cơ quan chức năng địa phương có thể nhắc nhở, đề nghị thay đổi. Viên chức, công chức có quyền góp ý phê bình Chủ tịch tỉnh. Ngược lại, ông Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng phải lắng nghe, tự kiểm điểm lại mình, nếu cấp dưới góp ý đúng thì phải rút kinh nghiệm.
Chưa thuyết phục
Luật sư Vi Văn A: Tôi cho rằng, đó là cách người ta “dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà”, xử lý quá nặng nề. Suy cho cùng, những lời nói thật thường khó nghe. Hơn nữa, ở cương vị là quan chức một địa phương, lắng nghe các ý kiến người dân là một phẩm chất cần có. Theo những gì tôi theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng, ngay khi bị nhắc nhở, chủ tài khoản của mạng xã hội đã tự ý hạ câu nói “chê” xuống. Vì vậy cứ cố ép họ vào một khung hình phạt nào đó, liệu có thuyết phục?
Nhưng có ý kiến nói, việc “góp ý” trên Facebook như vậy thực tế đã động chạm vào danh dự ông Chủ tịch tỉnh An Giang?
Luật sư Vi Văn A
Theo quy định pháp luật, việc xúc phạm uy tín, danh dự hay nhân phẩm được hiểu đó là những lời lẽ, hành vi thoá mạ hay bôi nhọ ai đó. Từ đó, người bị xúc phạm bị rơi vào tình trạng bị xã hội hiểu lầm, đánh giá sai hoặc coi thường, khinh bỉ. Về cá nhân, tôi thấy vài lời “chê” lãnh đạo tỉnh như vậy là chưa quá nặng nề. Khi xử lý, có thể đến gặp gỡ, làm rõ nguồn cơn và hai bên cùng hợp tác. Đó là phương án tối ưu, vừa giúp người có hành vi sai phạm nhận thức rõ hơn về việc làm của mình, vừa thể hiện đó là một phẩm chất của vị lãnh đạo.
Mặc dù vậy, mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau về sự xúc phạm. Có người, chỉ một câu nói cũng làm đau lòng, tổn thương, nhưng cũng có người, có khi hắt cả bát mắm tôm vào người nhưng vẫn cười nói vui vẻ.
Cảm ơn ông.