Góc khuất cao nguyên đá, Kỳ III: Một Dinh thự nữa của nhà Vương

Đường lên Phố Bảng
Đường lên Phố Bảng
TP - Lại chập chờn nhớ lần lên Đồng Văn với ông Vương Quỳnh Sơn. Đến Phố Bảng đã nhọ mặt người. Ông Vương bảo ngủ lại. Thấy lạ bởi sao giữa xứ điệp trùng núi đá này quanh Phố Bảng có nhiều địa danh tên Phố: Phố Bảng, Phố Là, Phố Cổng, Phố Cáo... 

Hóa ra khi ngồi với ông làm công tác mặt trận thị trấn Phố Bảng là người Mông, tôi mới biết bắt đầu các địa danh ấy là “phó”. Phó là tên gọi của người Pu Péo định cư trước ở vùng này, trước cả người Mông nữa kia. Phó nghĩa là bản, là xóm. Sau đọc chệch đi thành phố.

Phó Bảng trước hồi năm 1979 sầm uất lắm. Người Hoa, người  Mông, người Pu Péo, người Kinh... Quần tụ ở thị trấn này có tới mấy trăm hộ. Làm đủ nghề. Họ biết chế ra cả món bánh cuốn Thanh Trì và phở Bắc Hải, Hà Thành. Bây giờ dân có thưa thớt hơn nhưng vẫn ra dáng cái anh nửa thị nửa quê vì có buôn bán giao lưu không khép kín. Đây sang Trung Quốc chỉ hai cây số. Đi chợ Ma Li Pho của Châu Văn Sơn cũng nửa ngày đường. Lần này dừng ở Phó Bảng với con trai ông Vương Quỳnh Sơn là Vương Duy Bảo. Nghĩ cũng ngồ ngộ? Hầu chuyện Vương bố và lần này với Vương con cách nhau 25 năm vẫn có gì như chung với một người! 

Nhớ lần ngủ ở Phó Bảng ấy, ông Vương bố chỉ cho tôi chỗ ngã ba trên nền Nhà Văn hoá thị trấn là ngôi biệt thự hai tầng của ông chú ruột Vương Chí Sình. Các cụ Vương xây từ năm 1930 khi ông còn bé tí. Chừng như ngôi nhà bề thế ở Sà Phìn không làm thỏa mãn vị trí quần cư cát cứ của cụ Vương nên nguồn lợi thu từ thuốc phiện và những chuyến buôn quay vòng Hải Phòng- Hà Nội- Đồng Văn dồn tụ về cất lên ngôi biệt thự hoành tráng Phó Bảng chỉ cách Đồng Văn hơn mười cây số này. Anh Vương con bây giờ cứ hùi hụi tiếc vì nhà không giữ được những tấm ảnh đen trắng ghi lại khung cảnh biệt thự kiến trúc theo lối Tây nhưng hệ thống sân vườn theo lối phương Đông. Dãy đào mận bao quanh, tàu ngựa bên cạnh cái garage xe hơi khá hài hòa. Ngoài các hiệp thợ bên Vân Nam sang vẽ kiểu xây cất, cụ Vương còn đón cả những hiệp thợ mộc thợ ngõa dưới xuôi lên nên ngôi biệt thự ở Phó Bảng có nhiều thứ khác lạ nếu không nói là sang hơn khu nhà Sà Phìn. Thời điểm ấy ở tận Hà Nội, Vương Chí Sình cũng tậu tiếp hai cơ ngơi ở 55 Hàng Đường và 12 Mai Hắc Đế.

Góc khuất cao nguyên đá, Kỳ III: Một Dinh thự nữa của nhà Vương ảnh 1

Vua Mèo Vương Chính Đức thời trẻ

Dinh thự Sà Phìn sau bao tao loạn may mà còn. Nhưng dinh thự Phó Bảng đã biến mất sau sự kiện tháng 2/1979. 

Với cảm giác là lạ, tôi chăm chú nghe anh Vương con vẻ mặt bí hiểm thuật lại thời điểm năm 60, cậu Vương con khi ấy mới 7 tuổi chứng kiến mấy người theo chỉ dẫn của quản gia đã khai quật mấy cái chum đựng toàn bạc già (thứ bạc trắng hoa xòe bây giờ có mệnh giá bằng 3 triệu VNĐ) khoảng hơn một tấn cùng hàng bó bạc giấy tiền quan kim (thời Quốc dân Đảng) chôn trong vườn nhà Phố Bảng để tự nguyện nộp cho Chi điếm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam huyện Đồng Văn mà cụ Vương tình nguyện hưởng ứng chỉ thị cải tạo tư bản tư doanh!

Sà Phìn là nơi ông Vương Quỳnh Sơn cất tiếng khóc chào đời thì Phó Bảng là quê hương thứ hai. Từ Phó Bảng này, chàng trai Vương Quỳnh Sơn hậu duệ sáng giá của các vua Mèo đạo Bảo Lạc được các cụ Vương cho về Hà Nội học trường Pháp đó là trường Cố Puginier. Cứ vài tháng, chàng Vương lại mò về Phó Bảng, Đồng Văn dấm dúi thồ thuốc phiện xuống Hà Nội, Hải Phòng. Một chuyến như thế đủ cho việc nhẵn mặt trong những cuộc chơi ở các động nổi tiếng Hà Thành.

Thấp thoáng trong căn phòng khách với lối xây cất Tây, Tàu có lò sưởi dịp lễ Tết hay hội hè là cái dáng sang trọng của bà mẹ vợ Vương Chí Sình. Bà là người Hoa tên là Trần Quỳnh Chi nhưng giới máu mặt của xứ phồn hoa Hà Thành quen gọi là bà Siếu hay Xíu. Bà Siếu quê ở làng lụa Vạn Phúc Hà Đông, buôn bán hàng tơ lụa rất giàu. Bà Siếu là phu nhân của Trương Siêu, cũng là người Hoa, thư ký của Tôn Trung Sơn.

Đến đây phải mở thêm một cái ngoặc. Như nhiều người tường, nhà cách mạng Tôn Trung Sơn do hoàn cảnh hoạt động đã 5 lần đến Việt Nam khoảng những năm 1900 - 1910. Địa bàn hoạt động của nhà cách mạng Tôn Dật Tiên hết Hà Nội lại Sài Gòn với mục đích vận động Toàn quyền Đông Dương P. Doumer ủng hộ ông chống triều đình Mãn Thanh. Tôn Trung Sơn đã có thời gian lâu nhất ở Hà Nội tới hơn 1 năm. Đó là thời điểm Tôn Trung Sơn quyết định dời cơ quan Tổng  bộ Đồng minh  Hội từ Nhật Bản về đặt tại số nhà 61 phố Gambetta (Trần Hưng Đạo) làm “Tổng hành dinh” để trực tiếp chỉ huy thực hiện kế hoạch quân sự của mấy tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây (Việt, Quế, Điền).

Tôn Trung Sơn có nhiều thư ký giúp việc. Không rõ ông thư ký Trương Siêu sau khi kế hoạch của Tôn Trung Sơn bị thất bại ở Việt Nam, Pháp trục xuất ông về nước có theo chủ tướng về Trung Quốc hay ở lại Việt Nam? Tiếc là hồi ấy chưa kịp hỏi ông Vương Quỳnh Sơn?   

Con mắt nhìn xa trông rộng của người đàn bà giời cho sẵn cái tư duy quyền biến, bà Siếu đã nhắm cho cô con gái yêu Trương Mỹ Thuận làm lẽ cho vua Mèo Vương Chí Sình. Một cái tài nữa là sau này khi đã là thông gia, bà không phải đóng hay sắm gì cả mà là cố vấn thực thụ kiêm nội tướng của nhà Vương Chí Sình. Bên cạnh bà vợ ba của vua Mèo có một tay khuynh loát điều khiển của bà Siếu, không khí cùng mối quan hệ trong gia tộc họ Vương ở Sà Phìn lúc nào cũng êm thuận!

Nhưng những quyền biến tháo vát là thế bà Trần Quỳnh Chi đành phải bó tay trước một sự biến của nhà Vương. Ấy là dịp Đấu Xảo (triển lãm) lớn ở Hà Thành năm 1936. Từ lâu chính quyền bảo hộ vẫn ngấm ngầm coi sự tồn tại của chính quyền bang tá vua Mèo đạo Bảo Lạc như cái gai. Pháp không thể quên được sự kiện giữa năm 1936, một đoàn vận tải của Pháp chở quân trang, lương thực lên bổ sung cho quân đội ở Đồng Văn đã bị lực lượng vũ trang người Mông tập kích tại Lao Va Chải (huyện Yên Minh ngày nay). Toàn bộ quân Pháp bị tiêu diệt. Người Mông thu được nhiều chiến lợi phẩm.

Pháp biết các thủ lĩnh đầu lĩnh của xứ Mông ấy quây tụ xung quanh thủ lĩnh hùng mạnh máu mặt nhất là Vương Chí Sình con trai cụ Vương Chính Đức làm nên cái sức mạnh cát cứ ấy. Nên dịp đấu xảo trọng thể này chính quyền bảo bộ, ngoài việc mời vua Mèo Vương Chính Đức Toàn quyền De Coux cũng mời luôn 19 thủ lĩnh Mèo Đồng Văn  hạ trung châu dự triển lãm.
(Còn nữa)

Sà Phìn là nơi ông Vương Quỳnh Sơn cất tiếng khóc chào đời thì Phó Bảng là quê hương thứ hai. Từ Phó Bảng này, chàng trai Vương Quỳnh Sơn hậu duệ sáng giá của các vua Mèo đạo Bảo Lạc được các cụ Vương cho về Hà Nội học trường Pháp đó là trường Cố Puginier.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".