Ông Vương Quỳnh Sơn là đời thứ tư theo thứ tự đã được 7 đời của họ nhà Vương. 7 đời ấy có các tên lót (tạm hiểu là đế hệ) Chính, Chí, Đình, Quỳnh, Duy, Văn, Lập. Tương ứng có Vương Chính Đức. Rồi con là Vương Chí Chư, Vương Chí Sình. Con Vương Chí Chư là Vương Quỳnh Sơn. Vương Quỳnh Sơn gọi Vương Chí Sình là chú ruột.
Đã mấy lần nghe từ chính vị Chuyên viên Cố vấn Ủy Ban dân tộc miền núi Vương Quỳnh Sơn kể về cái Dinh thự nhà Vương được xây cất trong suốt 8 năm từ những năm 20 của thế kỷ trước do mấy kiến trúc sư người Việt lẫn người Hồi bên kia biên giới và cả những hiệp thợ lành nghề tận Vân Nam, Trung Quốc hiệp sức xây cất nên.
Tổn phí xây cất đâu như 15 ngàn đồng bạc trắng tương đương với trăm rưỡi tỷ thời giá đầu những năm 90… Dinh thự có tổng diện tích trên 1.120 mét vuông tọa lạc trên gò đất hình mui rùa ở thung lũng Sà Phìn, cách huyện lỵ Đồng Văn 15 km. Dinh thự và cả mảnh đất rộng lớn bao quanh thuộc sở hữu của ông Vương Chính Đức (1865-1947), thủ lĩnh cộng đồng người Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn trước cách mạng tháng Tám…
Và mãi khi ấy mới được lò dò theo ông Vương qua 3 cung Tiền, Trung, Hậu của Dinh với 64 phòng dành cho cỡ hơn trăm người ở. Dinh thự nhà Vương, điểm nhấn bắt mắt của Cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ được Bộ Văn hóa công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993.
Tiếng là đã xếp hạng Di tích nhưng Dinh thự tổng thể là đổ nát xập xệ. Và dỉn ơi là dỉn. Chẳng hay chúng là giống bọ chó hay thứ dỉn li ti luồn lách khắp người đốt nhay nháy ngứa ơi là ngứa. Thứ dỉn tệ hại này tôi đã mắc phải ở Đồn biên phòng Tây Trang Điện Biên, ở Ngã Ba biên giới Mường Nhé.
Khi ấy khắp vùng Đồng Văn chưa có nhà nghỉ khách sạn gì. Tôi với mấy anh em đành ngủ lại ở Dinh thự nhà Vương. Căn phòng mà tôi với ông Vương nghỉ lại nghe nói thuở xa ấy là nơi ngự của cụ vua Mèo Vương Chính Đức. Rồi sau này là Vương Chí Sình. Đầu hôm thì hơi nực, về sáng lại lạnh.
Co quắp xoay xở bên các cung bậc ngáy rền vang của ông Vương trên tấm phản lạnh cứng, tôi cố mường tượng ra trong căn phòng này từng diễn từng lặp nếp sinh hoạt quyền quý một thuở một thời. Ấy là cụ Vương ngày ba bữa thuốc phiện, mỗi bữa mấy chục điếu. Khói thuốc thơm nồng luôn mờ xanh khoảng cửa sổ trổ ra kia. Ba bữa cơm phổ biến là thứ thịt heo rừng heo nọc chỉ gần cỡ yến ( 10kg/con) hấp hoặc rang cháy cạnh với chút canh cải Mông giồng trong nương thuốc phiện, cụ đánh bay vài bát. Có nhẽ vậy thì cụ mới quản nổi bốn bà vợ chưa kể đám… nàng hầu?
Chẳng hiểu thuở ấy nhà vệ sinh trong dinh thự của cụ Vương ở đâu. Gần sáng tôi phải lò dò ngoắt ngoéo những khúc quanh lối cửa, những bậc đá cao thấp tìm đến nhà vệ sinh ở tận góc vườn. Bất đồ giật thót cả mình bởi âm thanh hực hực hung tợn của mấy con cẩu. Hồi chiều, khi chặp tối chúng thân thiện là thế tự dưng về sáng lại đốc chứng? Đành nem nép quay lại. Gặp ngay ông Vương đón đợi ở một khúc quanh cười khùng khục đưa tôi trở lại góc vườn.
Tinh mơ ông Vương đưa tôi đến dâng hương ngôi mộ cụ Vương Chí Sình đặt trước tiền dinh lặng lẽ hiền hòa dưới những tàn cây sa mộc. Mộ cụ Vương Chính Đức thì ở xa phải leo mấy cây số dốc đá. Mặt tiền mộ nổi bật hình cụ Vương Chí Sình được tạc cùng thanh gươm với tám chữ trên đốc gươm Tận Trung Báo Quốc / Bất thụ nô lệ. Chữ Cụ Hồ ban cho cụ Vương cùng thanh gươm cái hôm diễn ra lễ kết nghĩa anh em giữa cụ Hồ với cụ Vương ở Phủ Chủ tịch đầu năm 1946 và cháu cụ Sình là ông Vương Quỳnh Sơn đây có vinh dự được chứng kiến.
Rồi không ngờ chỉ hơn mười mấy năm sau, tôi đã có những khoảng lặng phắc trước một đoạn cây ( theo tục của người Mông) đựng hài cốt của ông Vương Quỳnh Sơn cải táng từ Hà Nội đưa lên Đồng Văn. Một bàn thờ cùng cái lễ dung dị đơn sơ trước Dinh thự Sà Phìn, thủ tục trước khi nhập mộ ông Vương Quỳnh Sơn bên cạnh mộ cụ Vương Chí Sình.
Sau một phần tư thế kỷ, lại có chuyến lên Đồng Văn trở lại Sà Phìn với người con trai cụ Vương đúng như thứ tự chữ đế hệ tên lót các đời nhà Vương. Vương Duy Bảo là đời thứ 5. Duy Bảo nguyên là Cục phó Cục cán bộ cơ sở của Bộ Văn hóa. Trước đó từng có 12 năm làm giám đốc Nhà sáng tác Đại Lải rồi phụ trách Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Tinh mơ, đứng bên ông chủ mới của Dinh thự Sà Phìn Vương Duy Bảo, trong hương khói lại lặng phắc trước mộ ông Vương Quỳnh Sơn, bao nhiêu là những bồi hồi một quá vãng… Bạch gì, khấn gì trước mộ tiền nhân đây? Từ khi ông Vương Quỳnh Sơn mất, nhiều công to việc lớn đã xảy ra ở Sà Phìn này, người con trai ông Vương đều phải cáng đáng cả.
Chuyện đòi lại sổ đỏ Dinh thự cấp nhầm cam go dằng dai mà công luận mới đây đều biết. Liền đó lại tiếp diễn một công đoạn hiện đang được coi là gian nan dằng dai không kém. Ấy là có việc đã cấp sổ đỏ nhưng Dinh thự Sà Phìn chưa được trả lại (!?) cho mười mấy thành viên nhà Vương như bìa sổ đỏ đã ghi! Dinh thự nhà Vương đã được Đồng Văn đưa vào kinh doanh mặc dù Vương Duy Bảo đại diện dòng họ Vương phản đối là nhiều hạng mục đã xuống cấp trầm trọng rất nguy hiểm cho khách tham quan! Bình quân mỗi ngày bán ra 400 vé. Mỗi vé 20 ngàn đồng. Tròm trèm hơn kém cũng 200 triệu/ tháng. Mừng du khách kìn kìn ghé nhà Vương.
Vương Duy Bảo cho biết phương án ăn chia đang được bàn thảo lẫn bàn cãi giữa đại diện dòng họ Vương và các nhà chức việc Hà Giang lẫn Đồng Văn. Là tỷ lệ sẽ hợp lý ra sao nếu như xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Phòng văn hóa huyện và dòng họ Vương được hưởng bao nhiêu phần trăm trong doanh thu doanh số việc kinh doanh Dinh thự nhà Vương ấy? Tiếng là 3 người thành viên dòng họ Vương tham gia kinh doanh nhưng chỉ được hưởng lương của Ban điều hành quản lý di tích, ngoài ra không có chế độ gì khác…
Tôi mạo muội thầm khấn trước hương linh các cụ Vương đại loại. Các cụ Vương ơi, qua bao tao loạn mà còn giữ được khu Dinh thự (dẫu đang còn xập xệ đang còn bị lấn chiếm và xâm hại) như thế này và đang rất bắt mắt du khách là phúc lớn của dòng họ nhà Vương mình. Lại đòi được sổ đỏ chính chủ sở hữu Dinh thự Sà Phìn nhiều thành viên dòng họ Vương. Như người Mông ta có câu đại ý, mua được con ngựa hay lo gì không sắm được cái cương ngựa. Chắc những trục trặc phát sinh sẽ thu xếp ổn thỏa cả thôi!