Gỗ trôi sông thành hàng mỹ nghệ

Tủ trưng bày gỗ lũa của ông Nguyễn Ngọc Cũi Ảnh: Trường Văn
Tủ trưng bày gỗ lũa của ông Nguyễn Ngọc Cũi Ảnh: Trường Văn
TP - Trước đây, người dân một số xã ven sông Hồng thường ra bãi nhặt gỗ trôi sông về làm củi. Nay họ ra sông tìm gỗ lũa để làm ra những mặt hàng mỹ nghệ có giá trị.

> Bắt nhóm trộm cắp, tiêu thụ gỗ sưa

Tủ trưng bày gỗ lũa của ông Nguyễn Ngọc Cũi Ảnh: Trường Văn
Tủ trưng bày gỗ lũa của ông Nguyễn Ngọc Cũi. Ảnh: Trường Văn.

Nông dân ở một số xã ven sông Hồng (BaVì - Hà Nội) bắt đầu quan tâm đến thú chơi gỗ lũa, cây cảnh. Riêng làng Cổ Đô (xã Cổ Đô) có tới 1/3 số hộ có tác phẩm gỗ lũa. Trên tường nhà, mặt tủ, bàn tiếp khách, hay ngoài hiên, cạnh hòn non bộ, những tác phẩm làm từ gỗ lũa thể hiện trình độ thẩm mỹ, bàn tay khéo léo của nông dân.

Họ đã biến những khúc gỗ trôi sông thành hàng mỹ nghệ có giá trị. Phong trào chơi gỗ lũa bước đầu mang lại thu nhập cho người dân. Thú chơi này luôn song hành với nghệ thuật chơi cây cảnh đang phát triển thành phong trào ở một số xã như Phong Vân, Cổ Đô, Phú Cường, Tản Hồng…

Theo cách giải thích của một nông dân, gỗ lũa là loại gỗ chìm dưới lòng sông, qua năm tháng bị nước cuốn trôi, vùi xuống cát, cọ sát, gỗ trở nên mịn, bóng, còn trơ lõi. Một số người đã sưu tầm chế biến các loại gỗ lũa này thành những tác phẩm nghệ thuật.

Ông Nguyễn Ngọc Cũi (làng Cổ Đô) không chỉ biết đến là một “họa sỹ chân đất” mà còn là nhà sưu tầm các tác phẩm gỗ lũa. Sau hơn 20 năm góp nhặt và mua lại của các hộ dân, đến nay ông Cũi đã có một tủ kính 3 tầng đựng hàng trăm tác phẩm gỗ lũa.

Theo ông Cũi, các tác phẩm này được bạn bè, khách tới tham quan rất thích thú. Nhiều người bất ngờ khi biết từ những đoạn gỗ tưởng như vô tri vô giác, dưới bàn tay tài hoa, sáng tạo của con người, nó trở nên có hồn.

Ở các xã Cổ Đô, Phong Vân, Trung Hà (Thái Hòa) khi nông dân vớt củi từ sông về phơi trên mặt đê, các nhà sưu tầm gỗ lũa lại tìm đến lựa chọn. Gỗ lũa thường được tìm thấy ở hai bên bờ kè sông Đà, từ dưới đập Hòa Bình trôi xuống vùng Trung Hà, Cổ Đô.

Một nông dân ở xã Phú Cường đã đầu tư hàng triệu đồng để mua một bộ gỗ lũa có hình thù rất đẹp và độc đáo đặt cạnh bàn uống nước. Đây vốn là một gốc cây cổ thụ trôi dưới sông lâu năm do người dân vớt được. Ông Khoái, một cán bộ ở Hà Nội nay về hưu cũng tìm về Cổ Đô, Trung Hà (xã Thái Hòa) để mua gỗ lũa.

Hiện nay, nhiều đại gia cây cảnh cũng săn tìm các tác phẩm gỗ lũa, làm phong phú thêm bộ sưu tập cây cảnh của mình và nó là mặt hàng tiềm năng để xuất khẩu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG