Sau hơn một tháng làm việc, chiều 27/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIII chính thức bế mạc. QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của QH khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn với 16 điểm trong toàn bộ các lĩnh vực.
Sau hơn một tháng làm việc, QH đã xem xét, thông qua 16 luật, một số nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Tại kỳ họp này, QH tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát, tiến hành chất vấn trực tiếp những người đứng đầu bộ máy các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay.
Khắc phục tồn tại việc bổ nhiệm cấp “hàm”
Nghị quyết của QH yêu cầu tích cực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuẩn bị tốt các điều kiện trong nước đáp ứng yêu cầu hội nhập; chú trọng xây dựng, hoàn thiện và vận hành có hiệu quả các thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, khoa học và công nghệ, thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường bất động sản; cần ban hành chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, chế biến, ứng dụng khoa học; trong năm 2016 phải hoàn thành bộ tiêu chí giám sát và đánh giá thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực nông nghiệp, có giải pháp cơ bản giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nghị quyết yêu cầu đến cuối năm 2016 hoàn thành việc rà soát, tổng kết, trình QH đưa vào chương trình xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ XIV việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công. Đồng thời xây dựng lộ trình và các biện pháp hữu hiệu, bảo đảm an toàn nợ công, trong giới hạn QH cho phép, từng bước giảm dần nợ công.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng lộ trình và chỉ tiêu thực hiện cho các năm, bảo đảm mục tiêu chung đến năm 2021, tinh giản tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sớm khắc phục tồn tại của việc bổ nhiệm chức vụ, cấp “hàm”; thực hiện đổi mới công tác tuyển dụng, phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; quy định chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo, quản lý để triển khai thực hiện thống nhất, chặt chẽ trên toàn quốc.
Tiếp tục giữ môn học Lịch sử
Nghị quyết của QH cũng nhấn mạnh đến việc sớm quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Nghị quyết nhấn mạnh phải bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung của Nghị quyết số 88/2014/QH13 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục gắn với hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh.
Thể hiện quan điểm về môn Lịch sử, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đề nghị của QH phản ánh đúng nhận thức của xã hội hiện nay. Ngay trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đại biểu chất vấn là người không liên quan lĩnh vực giáo dục chứng tỏ vấn đề được quan tâm. Hơn nữa, khi đưa vấn đề ra, những người bức xúc lại chính là các thầy cô đội ngũ nhà giáo. “Điều quan trọng, sau việc này ngành giáo dục phải có giải pháp củng cố môn Sử. Tích hợp hay không phải có lộ trình, thời gian chuẩn bị thận trọng, không nên làm theo kiểu dự án như lâu nay”, ông Quốc nói. Theo ông Quốc, đứng trước vấn đề môn Lịch sử không hấp dẫn, ít học sinh lựa chọn như hiện nay, thầy cô dạy Sử phải nỗ lực để thay đổi phương pháp dạy, quan trọng hơn Bộ GD&ĐT phải có phương án chỉ đạo để thay đổi chương trình sách giáo khoa và giải pháp dạy học.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm
Trao đổi với phóng viên, Người phát ngôn, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, QH tiến hành chất vấn lại từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Trên cơ sở những tồn tại, các Đại biểu QH đã đánh giá, đồng thời đặt câu hỏi cho các thành viên Chính phủ. “Toàn bộ phiên chất vấn đã có 140 câu hỏi và được các Bộ trưởng trả lời thỏa đáng, được cử tri và người dân hoan nghênh”, ông Phúc đánh giá.
“Khác với mọi kỳ trước, phiên chất vấn này QH đã mời tất cả các Bộ trưởng tham dự, trả lời chất vấn. Sau khi Thủ tướng kết thúc phần trả lời chất vấn, còn thời gian chẳng lẽ lại quay lại chất vấn các Bộ trưởng? Điều này là không nên. Đây là lần đầu tiên đổi mới chất vấn nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, ông Phúc cho hay.
Dũng Nguyễn