Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2018-2023, chiều 10/12, tại Đại học Sư phạm Hà Nội, các đại biểu đã tập trung thảo luận chủ đề "Vun đắp lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hoá cho sinh viên - Vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội". Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương dự
"Vun đắp lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hoá cho sinh viên - Vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội" là một trong 6 chủ đề các đại biểu tham dự Đại hội thảo luận, gồm: Hội sinh viên Việt Nam với hoạt động tư vấn hỗ trợ sinh viên; Sinh viên với học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học; Sinh viên tình nguyện vì cộng đồng; Hành trình hội nhập quốc tế của sinh viên Việt Nam; Xây dựng tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh
Tại toạ đàm, các ý kiến đã tập trung giải pháp thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong sinh viên; Đổi mới nội dung, hình thức trong công tác tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện, vun đắp lý tưởng, đạo đức, lối sống. giải pháp giải quyết vấn đề lệch chuẩn văn hóa, bệnh vô cảm của một bộ phận sinh viên; Văn hóa ứng xử của sinh viên trên mạng xã hội.
Giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho sinh viên, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên, hướng sinh viên phấn đấu trở thành công dân gương mẫu. Đại biểu Nguyễn Ngọc Uyên Vy (Phó chủ tịch Hội SV trường ĐH Bình Dương) chia sẻ mô hình sân chơi cuối tuần của ĐH Bình Dương dành cho sinh viên và các đội, nhóm, CLB Pháp luật đến tham gia giao lưu, tuyên truyền pháp luật. Qua đó giúp sinh viên có thêm sẩn chơi bổ ích
Đại biểu Nguyễn Phương Thảo (sinh viên ĐH Hàng Hải, Hải Phòng) đề xuất đổi mới phương thức giáo dục chính trị tư tưởng, như với môn học Lịch sử tư tưởng Hồ Chí Minh. "Việc học lý thuyết chỉ với cuốn giáo trình sẽ làm giảm hứng thú tìm hiểu kiến thức của sinh viên. Tại Đại học Hàng hải, sinh viên ngoài học lý thuyết trên lớp thì có cách học thông qua diễn kịch, thuyết trình. Các nhóm được chọn chủ đề liên quan tới môn học để tìm hiểu, tự triển khai xây dựng kịch bản và thể hiện, qua đó tạo hứng khởi cho sinh viên. Giáo viên qua đó cũng đánh giá được hướng tiếp cận, chất lượng nội dung", Thảo cho biết
Bên cạnh đó, trao đổi tìm phương thức triển khai hiệu quả cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội, cuộc vận động “Hình thành thói quen tốt trong sinh viên”, chương trình “Sinh viên Việt Nam - những câu chuyện đẹp”, “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam"... Nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt tình hình, tư tưởng và định hướng dư luận trong sinh viên
Đại biểu Trần Ngọc Mai (Khánh Hoà) cho rằng, không ít bạn sinh viên miễn cưỡng tham gia các hoạt động tình nguyện vì chưa thấy được ích lợi, cơ hội hoàn thiện bản thân. Nên có một môn học về các hoạt động ngoại khoá liên quan đến tình nguyện dành cho sinh viên. Cô chia sẻ mô hình mỗi lớp phấn đấu một công trình, phần việc thanh niên. "Qua việc thực hiện công trình, phần việc, các bạn sinh viên lớp tôi có dịp hiểu hơn nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, hiểu được giá trị của những hoạt động đang tham gia và biết bản thân cần làm gì", Mai nói
Phát biểu tổng kết thảo luận, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam nhiệm kỳ IX Nguyễn Minh Triết cho biết đã có 20 ý kiến, đề xuất tại toạ đàm với nhiều nhóm vấn đề. Những ý kiến, đề xuất này sẽ được chuyển tới Đại hội.