Giới hạn nào cho quân sự hóa trên biển Đông?

Ảnh vệ tinh chụp ngày 29/11/2016 cho thấy Trung Quốc triển khai hệ thống phòng không trên một đảo nhân tạo trên biển Đông. Ảnh: Digital Globe
Ảnh vệ tinh chụp ngày 29/11/2016 cho thấy Trung Quốc triển khai hệ thống phòng không trên một đảo nhân tạo trên biển Đông. Ảnh: Digital Globe
TP - Từ nay đến tháng 6 tới, ASEAN cần bàn với nhau để đưa ra khuôn khổ cụ thể cho Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), trong đó có những giới hạn về quân sự hóa; nếu Trung Quốc không chấp nhận, họ sẽ phải trả giá.

Đó là ý kiến mà giáo sư người Mỹ David Shambaugh (công tác tại ĐH George Washington, chuyên gia về Trung Quốc) đưa ra trong buổi nói chuyện với chủ đề “Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á” diễn ra ngày 23/2 tại Hà Nội.

Dùng tiền mua sức mạnh mềm

Theo GS David Shambaugh, so với Mỹ, Trung Quốc không có những sức mạnh mềm ở Đông Nam Á như số lượng du học sinh sang Mỹ học, ảnh hưởng của văn hóa Mỹ, tỷ lệ người dân một số nước Đông Nam Á có cái nhìn tích cực với Mỹ… Một điểm mạnh nữa trong sức mạnh mềm của Mỹ đối với khu vực là vai trò của Washington trong đảm bảo an ninh và ổn định khu vực, trong khi Trung Quốc không có chương trình nào để hỗ trợ, không có thực lực để bảo đảm an ninh, ổn định khu vực và trên thế giới.

GS Shambaugh cho rằng, quyền lực cứng của Mỹ ở khu vực cũng rất đáng kể. “Nhóm tàu sân bay tấn công Vincen của Hải quân Mỹ vừa thực hiện đợt tuần tra lớn trên biển Đông trong tuần trước. Đó là một ví dụ của năng lực răn đe. Mỹ không làm điều đó một cách tình cờ và sẽ tiếp tục làm như vậy. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì tự do hàng hải ở biển Đông mãi mãi. Đừng nghi ngờ điều đó”, ông nói.

Tuy nhiên, Mỹ cũng có một số điểm yếu so với Trung Quốc, GS Shambaugh nhận định. Điểm yếu thứ nhất là khoảng cách xa hơn. Thứ hai, Mỹ luôn nhấn mạnh vấn đề nhân quyền, dân chủ và quản trị tốt, khiến quan hệ của Mỹ với một số nước, như Thái Lan, nhiều lúc xấu đi. Thứ ba, Mỹ thiếu kiên nhẫn trước những tiến triển chậm chạp của ASEAN, trước việc khối này chậm trễ, trục trặc trong việc đạt được đồng thuận. Thứ tư, Mỹ không có nhiều tiền để đua với Trung Quốc. Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng khu vực với sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, trong khi Mỹ không thể làm điều đó.

Theo GS Shambaugh, một điểm yếu của Trung Quốc là đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông một cách phi lý. Rõ ràng Trung Quốc muốn thắng các nước khu vực nhưng họ không thể làm được như vậy. Trung Quốc đang hành động theo cách rất phản tác dụng đối với chính lợi ích của họ, ông nói. Trung Quốc cũng thực hiện chiến lược gây chia rẽ ASEAN, khiến nhiều nước mất lòng tin và thêm nghi ngờ Bắc Kinh.

GS Shambaugh cho rằng, cả Mỹ và Trung Quốc đều có điểm mạnh và điểm yếu, nhưng cả hai đều đang nỗ lực tăng cường ảnh hưởng và sức mạnh của mình bằng những công cụ khác nhau. Hiện tại, cạnh tranh giữa hai nước vẫn là cạnh tranh mềm, dù trong tương lai có thể xảy ra cạnh tranh cứng.

Về hàm ý của việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây khẳng định tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”, GS Shambaugh nói rằng, điều này cho thấy ông Trump đang đi theo chính sách của các chính quyền Mỹ trước đó. Chính sách đó là nền tảng của quan hệ Mỹ - Trung, nên việc ông Trump công nhận điều đó là rất quan trọng, bảo đảm rằng từ nay Mỹ có thể bàn bạc, thương lượng với Trung Quốc về các vấn đề khác, trong đó có vấn đề biển Đông.

Theo ông Shambaugh, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến Mỹ, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Nhật Bản và Hàn Quốc và cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây cho thấy sự ổn định và tiếp nối trong chính sách của Mỹ đối với Đông Bắc Á. “Tôi hy vọng chúng ta sẽ nhìn thấy điều tương tự trong chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á trong thời gian tới”, ông nói.

Về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với khu vực, GS Shambaugh cho rằng, điều này ảnh hưởng xấu đến uy tín của chính phủ Mỹ. Chính phủ của nước nhỏ hay lớn đều nên thực hiện các cam kết, các chính sách của chính quyền trước, nhất là khi có nhiều nước khác đang nhìn vào Mỹ để hành động. 

“Xét về uy tín và sức mạnh, việc rút khỏi TPP thật khủng khiếp và không thể tồi tệ hơn”, GS Shambaugh nói. Học giả này cho rằng, TPP có thể không biến mất sau khi Mỹ rút, vì một số quốc gia thành viên khác như Nhật Bản, Úc… đang nỗ lực thúc đẩy. 

Vì thế, ông hy vọng Mỹ có thể tìm đường quay lại TPP, có thể với những điều khoản được sửa đổi. Ông cho rằng, chính quyền Trump có thể tìm cách thay thế TPP bằng những hiệp định thương mại song phương, nhưng những thỏa thuận thương mại song phương hay khu vực như RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) không thể thay thế TPP, vì TPP còn bao gồm những tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường, đầu tư, dịch vụ tài chính…

Về chính sách của Mỹ đối với vấn đề biển Đông, GS Shambaugh cho rằng, chính quyền Trump vẫn còn mới nên khó để dự đoán họ sẽ nhìn nhận vấn đề này như thế nào. Nhưng Mỹ có lợi ích trong việc bảo đảm biển Đông là một vùng biển mở, tự do hàng hải, tự do bay, và tranh chấp được giải quyết hòa bình. Mỹ không đứng về bất kỳ nước nào có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. “Tôi cho rằng, chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục chính sách đó”, ông nói.

GS Shambaugh cho rằng, một điều mà Mỹ rất quan tâm là luật pháp quốc tế, thể hiện cụ thể là phán quyết của Tòa Trọng tài đưa ra năm ngoái về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Phán quyết đó không hề mơ hồ mà cực kỳ cụ thể và không thể bị đảo ngược. Hy vọng các nước không chỉ ủng hộ bằng lời nói mà thực sự thực thi phán quyết đó, ông nói.

Lời khuyên cho ASEAN

Giới hạn nào cho quân sự hóa trên biển Đông? ảnh 1

GS David Shambaugh nói chuyện ngày 23/2 tại Hà Nội. Ảnh: Trúc Quỳnh

Trước tình trạng quân sự hóa hiện nay trên biển Đông, GS Shambaugh cho rằng, tốt nhất là phải có COC. Theo ông, điều đầu tiên là tất cả các nước ASEAN cần đồng lòng trong việc xác định quân sự hóa thực sự là gì, giới hạn cho phép đối với việc triển khai vũ khí, trang thiết bị quân sự ra sao. Nếu ASEAN từ nay đến tháng 6 tới có thể nhất trí với nhau về giới hạn này, họ sẽ đưa ra được quan điểm rõ ràng của mình và hỏi Trung Quốc xem có chấp nhận giới hạn đó hay không.


“Tôi nghi ngờ khả năng Trung Quốc chấp nhận một giới hạn nào đó cho việc triển khai quân sự. Nhưng ASEAN cũng vẫn cần làm điều này, nếu Trung Quốc không chấp nhận quan điểm của ASEAN, họ sẽ phải trả giá bằng tổn thất hình ảnh, danh tiếng. Nếu ASEAN thực sự quan tâm đến ổn định, an ninh ở biển Đông và khu vực, ASEAN cần đi bước đầu tiên”, GS Shambaugh nói.

ASEAN đặt thời hạn cho việc hoàn thành khuôn khổ cho COC vào mùa hè năm nay. Nhưng GS Shambaugh cho rằng, phải chờ xem khuôn khổ đó thực sự mới hay chỉ là kiểu trang trí cho DOC. Một một bộ quy tắc ứng xử mới phải nêu cụ thể vấn đề triển khai quân sự trên các đảo ở biển Đông. Thời gian qua, Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế chỉ trích về việc lắp đặt hệ thống vũ khí, khí tài trên các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép trên biển Đông.


MỚI - NÓNG