Gieo chữ Việt nơi xứ tuyết

Gieo chữ Việt nơi xứ tuyết
TP - Những người tâm huyết vẫn hằng ngày dạy tiếng Việt cho con em các gia đình người Việt tại Ba Lan, như một sợi dây nối liền thế hệ trẻ Việt Nam ở đây với cội nguồn.

Văn Lang là cái tên được nhiều người Việt ở nước ngoài chọn để đặt tên cho các trung tâm tiếng Việt, các câu lạc bộ của người Việt như một sự hướng về đất nước.

Ở Ba Lan cũng vậy, tiền thân là câu lạc bộ Văn Lang, trung tâm văn hóa Văn Lang ra đời cách đây hơn một năm đã trở thành địa chỉ quen thuộc của bà con người Việt tại thủ đô Warszawa, Ba Lan trong các hoạt động văn hóa và dạy tiếng Việt cho con em.

Là những người đã từng học tập và sinh sống tại Ba Lan hơn 20 năm nay, tiến sỹ Đào Duy Tiến, vốn là Phó chủ nhiệm khoa chế tạo máy ĐH Bách khoa Hà Nội và ông Lê Xuân Lâm, Tổng Biên tập báo Quê Việt, nguyên là cán bộ giảng dạy ĐH Mỏ - Địa chất đã cùng ba người nữa sáng lập ra trung tâm này với mong muốn giữ lửa tình yêu đất nước cho những người Việt xa xứ và truyền lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Sợi dây để nối các em với đất nước chính là tiếng Việt, văn hóa Việt.

Họ đã lập Trung tâm văn hóa Văn Lang và trường tiếng Việt trực thuộc trung tâm từ hai bàn tay trắng và lòng nhiệt tình. Trụ sở của trung tâm được thuê của một trường tiểu học ở Ba Lan.

Cô giáo là những sinh viên Việt Nam đang học năm cuối tại các trường đại học ở Warszawa. Lớp học thì cần phải duy trì thường xuyên, còn “cô giáo” sinh viên cũng có những lúc bận ôn thi hay về nước thăm gia đình, thế là những người phụ trách trung tâm lại phải “chữa cháy”.

Ông Tiến cho biết, có những lúc, ông cũng phải đứng lớp năm tuần liền do không có giáo viên.

Những nỗ lực của thầy trò trường tiếng Việt Văn Lang đã Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đánh giá cao và hỗ trợ một phần kinh phí cho trường xây dựng chương trình học tiếng Việt.

Vừa qua, TS Tiến đã về nước và làm việc với Đài Truyền hình Việt Nam để xây dựng bộ đĩa học tiếng Việt dài 360 giờ trong đó có các chủ đề khá phong phú, dễ tiếp thu về văn hóa, thể thao và ẩm thực Việt. Những phong tục tập quán như lễ hội chọi trâu, các món ăn ba miền… sẽ là những đề tài sẽ hấp dẫn lũ trẻ xứ tuyết.

Ông Lê Xuân Lâm tâm sự: “Thấy sự hiểu biết về Việt Nam của lũ trẻ đang dần mai một mà mình không kìm được lòng. Chúng tôi làm những công việc này chỉ xuất phát từ tâm huyết của mình và sự nỗ lực của mỗi thành viên. Rất may, những nỗ lực của chúng tôi được sự ủng hộ nhiệt tình của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, Hội phụ nữ người Việt tại Ba Lan và Đoàn thanh niên.”

Tìm được địa điểm học đã khó, kiếm được giáo viên giảng dạy cũng không đơn giản, thế nhưng việc chọn giáo án cho các em còn khó hơn nhiều.

TS Đào Duy Tiến đã nhờ người về nước mua giúp mấy quyển sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, thế nhưng những cuốn này quá khó so với những đứa trẻ xa xứ. Các cuốn sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài thì khô cứng. Do đó, ông đã phải cùng bạn bè soạn sách riêng cho học sinh của trường.

Để cho các giờ học tiếng Việt không bị khô cứng, mỗi giờ học của lớp tiếng Việt ở đây được bắt đầu bằng các bài hát tiếng Việt và đan xen là các trò chơi dân gian. Thỉnh thoảng, trường tổ chức các cuộc thi vẽ giúp các em vừa được học, vừa được tìm hiểu về Việt Nam và gây niềm hứng thú học tập.

Vừa dạy, vừa dỗ

Mới ra đời được một năm nhưng trường đã có tới 5 lớp học và duy trì được sỹ số 70 học sinh. Đó là một sự nỗ lực lớn của toàn thể ban lãnh đạo trường. TS Tiến cho hay, trước khi trường thành lập, họ đã đích thân tới các gia đình vận động các phụ huynh. Bởi ngay bản thân nhiều người Việt, nhất là những người suốt ngày tất bật buôn bán ngoài chợ, cho rằng việc làm này là không cần thiết.

Cùng chung nhận định với ông Tiến, ông Lê Xuân Lâm cho biết: “Tờ báo Quê Việt cũng đăng những bài viết đưa ra định hướng dạy tiếng Việt cho con cái vì khi bố mẹ không biết tiếng Ba Lan, con cái không biết tiếng Việt sẽ dẫn tới sự không hiểu nhau và ngày càng xa nhau. Có những gia đình ý thức được việc này và tự dạy con cái trong nhà, tuy nhiên việc học tại nhà cũng có những hạn chế về ngôn từ và ngữ pháp.”

Để thu hút các em tới trường, ngoài việc vận động các phụ huynh, trường luôn tổ chức các hoạt động để thu hút các em đến với trường. Các thành viên sáng lập luôn phải nghĩ cách để các em vừa học, vừa chơi. Kỳ thi vẽ nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 năm ngoái đã thu hút rất nhiều em tham gia. Đó là nguồn động lực lớn cho các nhà tổ chức hướng đến những chương trình bổ ích hơn.

Trong quá trình diễn ra lớp học, có những em đang học lại bỏ dở chừng, các bác lại phải tới tận nhà động viên và khuyến khích em trở lại trường. Cũng có cháu mới 5 tuổi nhưng rất thích được đi học, mặc dù ốm vẫn bắt bố mẹ đưa đến lớp.

Sẽ là rất thiệt thòi cho lũ trẻ nếu khi trở về Việt Nam mà không biết tiếng Việt. Đó là những suy nghĩ rất chân tình của TS Tiến. Không những vận động các gia đình đưa con tới trường, chính TS Tiến cũng đã động viên người con trai của mình tham gia các hoạt động của trung tâm như quyên tiền từ thiện tại Đêm nhạc Trịnh Công Sơn hay  Đêm nhạc Hà Nội – Một tình yêu. Từ những hoạt động như vậy, thêm nhiều đứa trẻ người Việt quen thân nhau và cùng nhau nói tiếng Việt và thấy tiếng Việt trở nên lôi cuốn với chúng.

Sau một năm đi vào hoạt động, trường tiếng Việt Văn Lang đã thu được nhiều kinh nghiệm quý báu. TS Tiến cho biết, cố gắng duy trì cho các cháu học đến lớp 5 và khi đã có chút hiểu biết về tiếng Việt, trường sẽ phối hợp tổ chức các chuyến tham quan đất nước giúp các cháu gắn kết với đất nước.

Ngoài việc tổ chức các lớp dạy tiếng Việt, các lớp học múa, vẽ hát, trung tâm văn hóa Văn Lang sẽ tiến tới lập quỹ khuyến học để động viên những học sinh người Việt học giỏi những gia đình khó khăn.  

MỚI - NÓNG