Là một trong những nhân viên y tế đầu tiên tiếp cận hiện trường vụ nổ trên đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông, 2 ngày trước, bác sĩ Nguyễn Thị Loan thuộc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội không thể quên được khung cảnh tan hoang không khác gì những hình ảnh trong các bộ phim về chiến tranh. Gốc cây bật rễ tạo hố sâu dưới lòng đất cả mét, miếng bê tông của cống nước ngầm cũng bị bung cả mảng lớn; các nhà xung quanh cửa kính vỡ tan, ban công mái sập xệ, đồ đạc văng xa.
Trước đó, khoảng 15h14 phút ngày 19/3, đang ngồi trên xe gần về đến trạm cấp cứu khu vực Hà Đông, bác sĩ Loan được thông báo có vụ nổ lớn xảy ra ở khu đô thị Văn Phú. Ngay lập tức xe cấp cứu quay đầu đến hiện trường cách đó không xa, vì thế chưa đến 10 phút đã đến nơi.
Nhìn qua hiện trường, nữ bác sĩ đã kịp nhận định tình hình. “Có 3 người tử vong, một người bên kia đường và hai người bên này đường; một người không còn nguyên vẹn, mảnh xác vương cả trên đất. Biết không thể làm được gì, chúng tôi vội vàng lao sang bên đường nơi lực lượng cứu hộ đang cố gắng đưa 2 nạn nhân bị kẹt trong cabin xe tải ra”, bác sĩ Loan nhớ lại.
Người phụ nữ ngồi bên ghế phụ lái được đưa ra đầu tiên, khuôn mặt bị biến dạng, dập hết vùng xương trán, máu chảy nhiều, mũi cũng chảy máu, huyết áp thấp. Ngay lập tức bệnh nhân được nhân viên y tế khơi thông đường thở, bóp bóng thở ôxy, đồng thời đưa lên xe cấp cứu chuyển đến Bệnh viện 103. Chuyển giao bệnh nhân xong, ê kíp lại vội vã quay lại hiện trường. Người thanh niên trên xe tải vẫn bị mắc kẹt, phải mất gần một tiếng đồng hồ lực lượng chức năng mới đưa được nạn nhân ra khỏi chiếc xe tải đã bị rúm ró phần đầu.
“Nhìn thấy người bị mắc kẹt, chúng tôi sốt ruột lắm chỉ mong sao đưa nạn nhân ra thật nhanh. Lúc đấy bệnh nhân không còn tỉnh, chảy máu nhiều, chúng tôi lấy chai dịch truyền cắm sẵn định cắm truyền cho bệnh nhân trong lúc đang bị mắc kẹt, tuy nhiên nạn nhân bị đau quá gồng người lên không thể cắm được ống truyền", nữ bác sĩ tường thuật. Chị nhớ là trong lúc đó, lực lượng cứu hộ đang tìm mọi cách đưa nạn nhân ra, trên đầu một số người đang giữ miếng kính to ở tầng 3 gần như sắp rơi xuống.
Điều quan trọng lúc đó là làm sao đưa nạn nhân ra khỏi xe tải, cấp cứu, vận chuyển nhanh nhất về viện để có thể kịp cứu được. Vì thế, bệnh nhân vừa được gỡ khỏi cabin, các y bác sĩ đã tiến hành băng cầm máu khẩn trương đưa ngay lên xe cấp cứu chuyển đến Bệnh viện 103, đồng thời sơ cứu, khơi thông đường thở... Nạn nhân chảy máu nhiều, mắt đầy máu, nhiều mảnh thủy tinh găm vào mặt. Đưa vào viện đến nay, hiện bệnh nhân này vẫn còn nguy kịch.
Cũng là một trong những nhân viên y tế được điều đi hỗ trợ, bác sĩ Dương Như Trường, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, hằn trong ký ức khung cảnh đổ nát tại hiện trường, nơi vụ nổ xảy ra mặt đất bị cày nát tạo hố sâu lớn, xe máy nằm ngổn ngang... Áp lực vụ nổ quá lớn khiến nhà cửa xung quanh và đối diện bị hư hại nặng nề.
Khi đó, khoa Cấp cứu Bệnh viện Hà Đông tiếp nhận 4 nạn nhân của vụ nổ. Trong đó 2 trường hợp nặng được đưa vào trong tình trạng hốt hoảng, sợ hãi, đa chấn thương với nhiều vết thương vùng đầu mặt cổ… Khẩn trương cấp cứu cho các nạn nhân xong, khoa nhận được lệnh của lãnh đạo bệnh viện điều xe cấp cứu cùng một kíp trực gồm bác sĩ, điều dưỡng, mang theo các trang thiết bị cần thiết lên đường đến hiện trường hỗ trợ các đội cấp cứu khác.
“Khi chúng tôi xuống đến nơi, các bệnh nhân được sơ cứu đưa đi viện, chỉ còn thi thể của 3 nạn nhân không còn nguyên vẹn rất khó nhận dạng. Xác định họ đã tử vong, chúng tôi đưa lên xe chuyển về nhà xác bệnh viện”, bác sĩ Trường kể lại.
Sau đó, bác sĩ cùng nhiều nhân viên y tế, các lực lượng chức năng khác đi một số dãy nhà gần hiện trường tìm xem có người bị thương nào còn bị mắc kẹt. “Nhìn thi thể nạn nhân trong đó có 2 mẹ con, rất xót xa song chúng tôi phải tập trung tìm kiếm người bị thương khác. Rất may là hai bên dãy nhà không có nhiều người ở nên hạn chế được thương vong”, bác sĩ chia sẻ.
5 xe cấp cứu được Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội điều động từ trạm cấp cứu Hà Đông và Thanh Trì đến hiện trường tham gia cấp cứu nạn nhân. Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng cử một kíp bác sĩ đến hỗ trợ. Đến 18h tối cùng ngày khi xác nhận không còn người bị thương, các đơn vị y tế mới lần lượt rút khỏi hiện trường.
Trong số 15 nạn nhân của vụ nổ có 4 người đã tử vong; 6 người bị vết thương hàm mặt, theo dõi chấn thương sọ não được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Hiện 2 người đã xuất viện, 2 nạn nhân nằm tại khoa Chấn thương và 2 bệnh nhân nằm tại khoa Răng hàm mặt. Bệnh viện 103 đang điều trị cho 4 nạn nhân. Trong đó, người lái xe tải vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, người phụ nữ đi cùng đã được mổ, tạm thời qua cơn nguy hiểm. Hai trường hợp khác bị thương nhẹ hơn, sức khỏe hiện ổn định.