Bối cảnh diễn ngôn ấy là khi Phó Thủ tướng trình bày về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn 2050. "Các chuyên gia rất đồng tình với định hướng của Việt Nam là nước ta không thể nghèo, không cần quá giàu, cần vừa phải nhưng có cuộc sống an toàn và có nhiều tình yêu thương giữa con người với nhau, giữa con người với thiên nhiên và vạn vật”. Ông cũng đặt vấn đề, rằng có nhất thiết đi những chiếc xe sang mà “sống quá nhanh, tàn phá tất cả”?
Có thể khẳng định đây là một định hướng hết sức văn minh, khôn ngoan, phù hợp, thậm chí đi trước xu thế thời đại, khi mà hiện nay mọi tốc độ, cường độ đua tranh khốc liệt đang diễn ra khắp toàn cầu đã khiến nhân loại tức ngực, mệt mỏi hoang mang. Những cuộc đua tranh/chiến tranh về quyền lực và quyền lợi địa chính trị, kinh tế, bất chấp hành tinh đang đếm ngược về thảm họa diệt vong bởi ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu,... Bất chấp bom rơi đạn nổ khắp nơi. Còn loài người, đang ngày càng yếu ớt và biếng lười, thụ động, phụ thuộc ngày càng nhiều vào tiện ích công nghệ. Trong khi tham vọng vật chất dường như không có điểm dừng.
Nói về nghèo thì dễ, nhưng bàn về sự giàu có, hạnh phúc chẳng khác gì cãi nhau với cái vô cùng. “Khi được hỏi, phần lớn các sinh viên Harvard mới tốt nghiệp trả lời họ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi nhận 50.000 USD/năm nếu như các bạn của họ nhận được nửa số đó, hơn là nhận được 100.000 đô la/năm trong khi các bạn của họ nhận được gấp đôi số đó”. Người đưa ra khảo sát này trong cuốn “Kỷ nguyên hỗn loạn” nổi tiếng chính là Alan Greenspan, từng là Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) trong suốt hơn 18 năm từ 1987 đến 2006.
Vậy thì đâu là cái mốc cuối cùng cho sự giàu có và thỏa mãn của con người? Hay nói như Will Durant, rằng nếu những gì bạn có vẫn không đủ cho bạn, thì dù bạn sở hữu cả thế giới bạn cũng vẫn còn khổ sở.
Không ai chối bỏ thực tế rằng chúng ta vẫn còn nghèo. Còn bề bộn vấn đề đạo đức xuống cấp, tham nhũng, tắc đường, mưa ngập, bệnh viện quá tải, giáo dục loay hoay, tội phạm gia tăng,... Nếu giàu, và “quá giàu”, đương nhiên nhiều vấn đề trên sẽ được giải quyết. Nhưng có triệt để xóa mọi vấn nạn xã hội được không, đồng tiền sẽ như phép màu biến mọi thứ trở nên trong veo được không? Giàu, không phải chỉ là việc kiếm tiền. “Dân giàu, nước mạnh”, “mạnh” cũng không phải chỉ là lắm tiền. Câu trả lời dễ dàng tìm thấy nơi thế giới đang khủng hoảng sâu sắc này.
Và những vấn nạn kể trên, kể cả khi chúng ta “chưa giàu” thì vẫn phải giải quyết. Đã và đang giải quyết, từng ngày, để mọi thứ dần thay đổi và trở nên tích cực hơn. Còn “giàu và quá giàu”, đó hiển nhiên là điều đang và sẽ hướng tới. Bằng sự khôn ngoan và tỉnh táo, biết cân bằng mọi giá trị của đời sống hiện hữu.