Giáo viên, phụ huynh làm giường tre cho học sinh ở ‘bán trú’ trong nhà kho của dân

TPO - Chuyển về trường chính để học nhưng chưa có chỗ ở, trường học vùng cao Nghệ An phải thuê một nhà kho của người dân, kêu gọi phụ huynh đóng giường tre nứa để học sinh có chỗ ở tạm thời.
Giáo viên, phụ huynh làm giường tre cho học sinh ở ‘bán trú’ trong nhà kho của dân ảnh 1

Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Mai Sơn (xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An) có 5 điểm trường lẻ với 268 học sinh, đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Khơ Mú và Mông. Các điểm trường nằm rải rác, cách xa trung tâm xã trên 10km, đi lại khó khăn, nguy cơ sạt lở cao.

Giáo viên, phụ huynh làm giường tre cho học sinh ở ‘bán trú’ trong nhà kho của dân ảnh 2

Để đến được trường, học sinh nhiều bản phải đi bộ hàng giờ đồng hồ. Nhằm chuẩn bị chương trình dạy học môn Tin học và tiếng Anh cho học sinh lớp 3 từ năm học 2022-2023, Trường PTDTBT - Tiểu học Mai Sơn đã triển khai mô hình trường học bán trú bậc Tiểu học cho học sinh lớp 3-5. Học sinh từ lớp 3 ở các điểm lẻ cũng được gom về trường chính để thuận tiện trong việc dạy và học.

Giáo viên, phụ huynh làm giường tre cho học sinh ở ‘bán trú’ trong nhà kho của dân ảnh 3

Thầy Đào Xuân Hải - Hiệu trưởng Trường PTDTBT - Tiểu học Mai Sơn cho biết, hiện có 120 học sinh ở các điểm trường lẻ được gom về trường chính học. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất không đủ nên nhà trường chỉ có thể bố trí chỗ ở tạm thời cho 40 học sinh, 80 học sinh còn lại đang phải tá túc tại một nhà kho của người dân cạnh trường. “Nhà kho này do trường thuê lại với giá 9 triệu đồng/năm rồi cải tạo, lắp đặt thêm giường ngủ bằng gỗ, tre nứa cho các em ở tạm”, thầy Hải nói.

Giáo viên, phụ huynh làm giường tre cho học sinh ở ‘bán trú’ trong nhà kho của dân ảnh 4

Để tránh mưa, nắng, các giáo viên và phụ huynh phải mang thêm nứa bao xung quanh nhà kho. “Mùa hè thì nóng bức, mùa đông nơi vùng biên giới này cũng rất lạnh. Cấp bách nhất là nguồn nước sinh hoạt hàng ngày cho học sinh cũng đang thiếu trầm trọng, thầy trò phải ra suối lấy nước nên rất nguy hiểm”, thầy Hải nói.

Giáo viên, phụ huynh làm giường tre cho học sinh ở ‘bán trú’ trong nhà kho của dân ảnh 5

Ông Kha Văn Lập - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết, hiện huyện có 85 điểm trường, trong đó có 66 điểm trường lẻ. Khoảng cách từ điểm trường lẻ đến điểm trường chính từ 3km trở lên, có những điểm lên tới 20km, giao thông đi lại rất khó khăn.

Giáo viên, phụ huynh làm giường tre cho học sinh ở ‘bán trú’ trong nhà kho của dân ảnh 6

Theo chương trình giáo dục phổ thông ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các môn tiếng Anh, Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3-5 từ năm sau. Tuy nhiên, với quy mô trường lớp của cấp Tiểu học như hiện nay thì việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, bố trí đủ giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học ở tất cả các điểm trường là không thể thực hiện được, nhất là tại các điểm trường lẻ. Bởi thế các trường phải gom học sinh ở các điểm lẻ về điểm trường chính.

Giáo viên, phụ huynh làm giường tre cho học sinh ở ‘bán trú’ trong nhà kho của dân ảnh 7

“Học sinh ở điểm lẻ quá nhiều, cơ sở vật chất không đủ nên nhiều trường mới chỉ có thể gom học sinh lớp 3 về trước. Sau khi ổn định mới có thể tiếp tục gom học sinh lớp 4 và lớp 5”, ông Lập nói và cho hay, đối với học sinh lớp 4 và lớp 5 đang ở điểm trường lẻ, các trường sẽ lên lịch để bố trí ít nhất mỗi tuần một buổi, cử giáo viên về dạy Tin học và tiếng Anh cho học sinh.

Giáo viên, phụ huynh làm giường tre cho học sinh ở ‘bán trú’ trong nhà kho của dân ảnh 8

Để tổ chức dạy học môn tiếng Anh và tin học cho HS lớp 3 theo chương trình mới từ năm học 2022 - 2023 hiệu quả, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cũng đã gom học sinh từ lớp 3-5 ở các điểm trường lẻ về để học từ đầu năm học 2021-2022. Tuy nhiên, hiện nhiều trường học trên địa bàn chưa được công nhận là trường bán trú, nên không có cơ sở vật chất phục vụ ở bán trú cho học sinh. Thậm chí, hiện nhiều trường còn chưa có điện lưới khiến việc dạy và học của thầy trò vùng cao này gặp vô vàn khó khăn.

MỚI - NÓNG