Trước thông tin này, nhiều giáo viên bày tỏ vui mừng được “cởi trói” vì lâu nay vất vả mới có được chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để tham gia thi nâng hạng, nâng ngạch… Tuy nhiên, thời điểm này, cô Trần Thị L.T., giáo viên một trường THPT ở Hà Tĩnh, cho biết, trước ngày 15/12, phải hoàn thiện hồ sơ để thi nâng hạng. Vì thế, dù có thông tin Bộ GD&ĐT sẽ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, nhưng vì thông tư chưa có hiệu lực, nên giáo viên nơi đây muốn thi nâng hạng vẫn phải vất vả lo chứng chỉ để “làm đẹp” hồ sơ mới đủ điều kiện dự thi. Hiện cô T. và một số giáo viên khác vẫn phải tìm cơ sở ở Hà Nội để thi lấy chứng chỉ.
Cô T. nói rằng, điều kiện để giáo viên thi nâng hạng giáo viên của tỉnh là phải có chứng chỉ tiếng Anh bậc 2 theo khung 6 bậc của Việt Nam. “Phần chuyên môn yêu cầu 3 năm liên tiếp được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong khi ngoại ngữ lại yêu cầu có chứng chỉ bậc 2. Thi nâng hạng, trình độ năng lực chuyên môn của giáo viên đòi hỏi đơn giản, trong khi các điều kiện khác rườm rà, làm khó giáo viên”, cô T. nói.
Nhiều giáo viên cho biết, trước thông tin sẽ bỏ điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, họ cảm thấy như trút được gánh nặng vì trước đó đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức lo thi lấy văn bằng, chứng chỉ. Theo họ, các chứng chỉ này không hỗ trợ, nâng cao chất lượng dạy học, trong khi thủ tục vẫn buộc phải có là cách làm hình thức.
Cô L.H.N., giáo viên một trường THPT tại Hà Nội, chia sẻ, năm 2019 cô tham gia thi thăng hạng giáo viên từ bậc III lên bậc II. Để đủ hồ sơ, trước đó, cô cũng như các giáo viên đủ điều kiện dự thi (tổ trưởng, tổ phó…) phải đi tìm trung tâm để đăng ký học thi lấy chứng chỉ và bị lừa. Cụ thể, sau một thời gian các giáo viên học và thi xong được cấp chứng chỉ, Bộ GD&ĐT công bố danh sách đơn vị được phép đào tạo, nhưng không có trung tâm họ đã học. Họ đành phải ngậm ngùi đi đăng ký học lại từ đầu.